TIN THỦY SẢN

Quảng Ninh: Thành lập khu nuôi tôm công nghệ cao

Đầm Hà còn nhiều diện tích bãi triều ngập mặn hoang sơ, môi trường thanh khiết Vũ Văn Cầm

Ngày 18/3, tỉnh Quảng Ninh họp thống nhất ý kiến chỉ đạo Đề án thành lập khu nuôi tôm công nghệ cao cấp tại vùng biển huyện Đầm Hà. Ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy, chủ trì cuộc họp.

Đề án xây dựng khu công nghệ nuôi tôm cao cấp của tỉnh Quảng Ninh trên bãi triều huyện Đầm Hà, dự kiến quy mô 169,5ha được phân thành 5 khu chính bao gồm: Trung tâm; đa chức năng nghiên cứu; sản xuất tôm giống; nuôi tôm thương phẩm; xử lý chất thải. Tại đây sẽ nghiên cứu, ứng dụng sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nuôi tôm, sản xuất thức ăn, chế biến xuất khẩu tôm…

Đề án chia làm nhiều giai đoạn, giai đoạn đến năm 2020 sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng toàn khu, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê bao, hoàn thành xây dựng khu trình diễn khu nuôi tôm thương phẩm, khu đào tạo, ứng dụng thực hành và bắt đầu thực hiện sản xuất giống tôm chất lượng cao. Giai đoạn 2021 - 2022 sẽ tiến hành hoàn thiện các phân khu, hình thành 10 trại nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, hợp tác thử nghiệm đào tạo phục vụ sản xuất thủy sản chủ lực của toàn khu và phát triển trên địa bàn tỉnh.

Đại diện các Sở, ngành đề xuất một số phương án về định hướng quy hoạch hạ tầng (đường giao thông, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải…), quy mô quản lý vận hành, cơ chế chính sách áp dụng, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng và tổng khái toán vốn đầu tư dự kiến 829 tỷ đồng cho khu công nghệ. Trong đó, vốn ngân sách là 181 tỷ đồng dùng để xây dựng tuyến đê bao biển và giải phóng mặt bằng. Số vốn đầu tư còn lại là của doanh nghiệp để xây dựng các hạng mục hạ tầng cơ sở, trang bị thiết bị...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ đầu tư làm rõ hơn một số nội dung nhu cầu sử dụng đất, thị trường, công tác bảo vệ môi trường, hoạt động đào tạo, cơ chế, chính sách áp dụng và quyền lợi của người dân địa phương…

Tập đoàn Việt - Úc chủ đầu tư cho biết: Năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên ngành nuôi tôm công nghệ cao, khả năng tiêu thụ sản phẩm của mình, đề nghị địa phương tạo điều kiện cho dự án sớm khởi động.

Ông Nguyễn Văn Đọc khẳng định: “Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm, khuyến khích phát triển kinh tế biển đặc biệt đối với lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy, hải sản nhằm tạo sự đột phá trong lĩnh vực này”.

Hải sản, đặc biệt là tôm biển ở Quảng Ninh có thương hiệu hàng trăm năm nay, bởi Quảng Ninh có lợi thế đường bờ biển dài trên 250km, diện tích mặt biển rộng trên 6.100km2 và trên 40.000ha bãi triều cùng với 20.000ha eo vịnh với hơn 2.000 hòn đảo lớn nhỏ trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long… môi trường sinh trưởng tốt cho thủy hải sản ven bờ, nhất là các loài tôm tép.

Năm 2018, Quảng Ninh có 10.603ha bãi triều ngập mặn nuôi tôm với sản lượng 11.558 tấn. Địa phương hoạch định chương trình mở rộng diện tích nuôi tôm nước mặn, nước lợ, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất khu vực các tỉnh ven biển phía bắc.

Vũ Văn Cầm Báo Xây Dựng