Quảng Trị: Để phát triển nuôi tôm bền vững
Với nhiều lợi thế để phát triển nuôi tôm, thời gian qua người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã đầu tư phát triển mạnh diện tích nuôi tôm. Con tôm đã giúp nhiều nông dân nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhưng cũng đưa không ít người vướng vào thua lỗ, nợ nần.
Diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hiện nay gần 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã ven biển thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh và thành phố Đông Hà. Trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 600 ha, còn lại là tôm sú. Sản lượng tôm hằng năm đạt khoảng 4.400 tấn, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm hơn 3.700 tấn. Đa số nông dân trên địa bàn tỉnh nuôi tôm thẻ chân trắng 2 vụ/năm, nuôi tôm sú 1 vụ/năm. Diễn biến nhiều năm qua ở các địa phương cho thấy, người nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng ít khi thành công, đạt lợi nhuận cao liên tiếp 2 - 3 vụ mà thường là vụ được, vụ mất hoặc hòa vốn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thực tế số người có thu nhập cao, giàu có một cách bền vững nhờ con tôm không nhiều.
Ở vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thôn Nam Sơn, xã Trung Giang (huyện Gio Linh) mấy năm trước đây rất nhộn nhịp nhưng nay thì tiêu điều, vắng vẻ do người dân không còn mặn mà với con tôm. Hỏi chuyện nhiều người dân ở đây mới biết, 5 năm trở lại đây không hộ nào nuôi tôm thành công do tôm thường chết hàng loạt khi mới thả nuôi được khoảng một tháng. Nhiều hộ trắng tay, nợ nần nên đành chọn nghề khác làm kế sinh nhai. Cách đó không xa, vùng nuôi tôm sú ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Vũ Xuân Dương thông tin: “Địa phương có 69 ha nuôi tôm sú, mấy năm trước đây người nuôi tôm còn có được thu nhập nhưng 2 năm nay thì hầu hết nông dân nuôi tôm bị thua lỗ. Như năm nay toàn xã có trên 100 hồ nuôi tôm thì đã có đến 95 hồ tôm chết toàn bộ. Thực tế này đang đặt ra bài toán khó trong phát triển kinh tế - xã hội cho chính quyền địa phương”.
Đây cũng là thực trạng của không ít vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hiện nay. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Huân cho hay: “Phần lớn các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đều hình thành một cách tự phát và mang tính phong trào. Điều này đã dẫn đến tình trạng người dân đầu tư hệ thống hồ nuôi, cấp thoát nước không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn. Việc xử lý hồ, nguồn nước trước khi nuôi tôm chưa được thực hiện triệt để dẫn đến không kiểm soát được chất lượng nước, mầm bệnh. Khi triển khai nuôi tôm người dân ít chú trọng đến khâu chọn giống cũng như tuân thủ đầy đủ các khâu kỹ thuật trong quá trình nuôi, đến thời điểm tôm nhiễm bệnh thì nhiều nông dân tự xử lý theo kinh nghiệm nên hiệu quả không cao. Những nguyên nhân này cùng với ảnh hưởng của yếu tố thời tiết diễn biến không thuận lợi đã dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên tôm xảy ra thường xuyên. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi năm nào cũng xảy ra ở hầu hết các vùng nuôi tôm, nhiều hộ nuôi tôm liên tục bị thua lỗ, ảnh hưởng lớn đến sinh kế và thu nhập”.
Đề cập đến các giải pháp để phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, ông Nguyễn Văn Huân cho rằng, cùng với nguồn lực đầu tư về mọi mặt của chính quyền các cấp, nhất là cơ sở hạ tầng; công tác nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất tôm giống chất lượng cao; tập huấn, phổ biến các biện pháp kỹ thuật nuôi mới, quy trình nuôi tôm thích ứng với từng loại hình sinh thái, xây dựng trình diễn và nhân rộng các mô hình nuôi tôm an toàn; mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy, cơ sở chế biến và bao tiêu sản phẩm ở các vùng nuôi tôm thì yếu tố cơ bản là người nuôi tôm phải cần phải tuân thủ định hướng phát triển, quy hoạch nuôi tôm, không nuôi tôm theo kiểu tự phát. Đầu tư đồng bộ, đúng kỹ thuật hệ thống hồ nuôi, cấp nước và xử lý nước thải; lựa chọn tôm giống ở những cơ sở sản xuất có uy tín, thương hiệu và được kiểm dịch chặt chẽ cũng như tuân thủ đầy đủ kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, người nuôi tôm cần tổ chức liên kết, hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã để có sự hỗ trợ nhau trong sản xuất, nhất là trong tổ chức nuôi tôm theo hướng công nghệ cao Biofloc hoặc Semi - Biofloc...
Nhằm tạo “cú hích” mới cho nghề nuôi tôm của địa phương, ngày 11/5/2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển nuôi tôm đến năm 2025. Trong đó xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2025 hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật phục vụ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh được đầu tư cơ bản đồng bộ; tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt 1.500 ha, trong đó tôm thẻ chân trắng 1.000 ha, tôm sú 500 ha; hình thành một số vùng sản xuất tôm công nghệ cao, vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên hình thức tổ chức sản xuất hợp lý để sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt khoảng 7.400 tấn, tôm sú khoảng 1.400 tấn, giá trị sản xuất ước đạt 774 tỷ đồng. Để thực hiện những mục tiêu này, UBND tỉnh xác định tập trung đổi mới tổ chức và quản lý sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến ngư; thực hiện các chính sách giao, cho thuê sử dụng đất, mặt nước để nuôi tôm; chính sách tín dụng, bảo hiểm; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm; thu mua và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm Quảng Trị, có chỉ dẫn địa lý, đáp ứng tốt thị hiếu và niềm tin của người tiêu dùng…Đây chính là điều kiện cơ bản để con tôm trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp.