Quảng Trị: Hơn 2,5 tỷ đồng phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản
Ngày 20/11, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 3192/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2018.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, chủ cơ sở nuôi về tác hại của dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; trách nhiệm của người nuôi trồng, các cấp chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.
Tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đọi ngũ làm công tác thú y, các hộ nuôi trồng thủy sản về kỹ thuật, năng lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở, phát hiện sớm, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh. Từng bước bao vây, khống chế các bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan cấp tính… trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Dự toán kinh phí phòng, chống dịch bệnh là hơn 2,5 tỷ đồng bao gồm: Phục vụ cho giám sát dịch bệnh, hỗ trợ xét nghiệm; hóa chất dập dịch và hỗ trợ làm thêm ngoài giờ để chống dịch thủy sản.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo với Trạm chăn nuôi và thú y khi có dấu hiệu dịch bệnh. Triển khai lực lượng phòng, chống dịch kịp thời nhằm khống chế, bao vây dịch khi còn ở diện hẹp. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn, giám sát của cơ quan thú y.
Đặc biệt, các chủ cơ sở chăn nuôi cần chấp hành nghiêm, đầy đủ các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; tuân thủ mùa vụ thả nuôi theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT; tuân thủ đúng quy trình chuẩn bị ao nuôi, quản lý chất lượng nước và chăm sóc sức khỏe đảm bảo hạn chế tối đa mầm bệnh và giảm thiểu các chất độc hại cho nuôi thủy sản. Chỉ được pháp sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, kháng sinh, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ NN&PTNT công bố.
Chỉ sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng ở các trại giống có uy tín và có giấy kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền cấp. Hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh.