TIN THỦY SẢN

"Vua cá tra" hé lộ kế hoạch thoát lỗ

Ảnh: hungvuongpanga Phương Đông

Hùng Vương sẽ đóng cửa nhà máy chế biến thủy sản, thanh lý tài sản, thỏa thuận khoanh nợ với ngân hàng… nhằm đảm bảo mục tiêu lãi 800 tỷ.

Cuối năm tài chính 2016-2017, Công ty cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán: HVG) lỗ lũy kế hơn 423 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn vượt tài sản gần 820 tỷ đồng. Phía kiểm toán cho rằng, tình hình kinh doanh liên tục lao dốc dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Bất chấp năm nay phải đối mặt vời hàng loạt vấn đề tồn đọng về vùng nguyên liệu, giá bán thành phẩm, chi phí lãi vay… nhưng “vua cá tra” vẫn mạnh dạn đặt kế hoạch lợi nhuận 800 tỷ đồng. Mục tiêu này được đánh giá đầy mạo hiểm, nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn khẳng định quyết tâm vượt qua để xóa sạch lỗ lũy kế kéo dài suốt hai năm.

Trong công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM mới đây, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT Hùng Vương cho biết doanh nghiệp này sẽ triển khai bốn phương án khắc phục lỗ. Cụ thể, công ty sẽ thoái vốn hai công ty con là Thực phẩm Sao Ta và Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, đồng thời đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.

Công ty dự kiến thỏa thuận với ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung và dài hạn để hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang, khoanh nợ và ưu đãi lãi suất đối với các khoản vay hiện tại.

Công ty cũng sẽ thanh lý hai khu đất ở quận 6, TP HCM với tổng diện tích hơn 7.000 m2. Ban lãnh đạo công ty nhận định các khu đất này đều nằm ở những vị trí đắc địa, sẵn sàng phát triển dự án. Trong số này có khu đất trên đường Hồng Bàng từng được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản trái phiếu phát hành bởi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với tổng mệnh giá 700 tỷ đồng.

Lý giải về kết quả kinh doanh năm ngoái, ban lãnh đạo Hùng Vương cho rằng hai nguyên nhân chính khiến thua lỗ ngày càng nghiêm trọng là do thiếu hụt nguyên liệu và áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dang dở.

Cụ thể, giá xuất khẩu cá tra fillet tăng cao nhất trong vòng 10 năm nhưng nguồn cung lại diễn biến trái chiều. Điều này khiến 11 nhà máy phải hoạt động cầm chừng và chủ yếu tái chế hàng trong kho để duy trì xuất khuẩn. Công ty cũng phát sinh thêm chi phí trợ cấp cho 15.000 người lao động trong thời gian tạm ngưng sản xuất.

Bên cạnh đó, công ty đang triển khai đề án phát triển chăn nuôi heo theo mô hình công nghệ cao và xây dựng kho lạnh vận hành hoàn toàn bằng robot. Một số công trình đến nay hoàn tất 80%, nhưng phía ngân hàng mới giải ngân khoản một phần ba giá trị cam kết (tương ứng 484 tỷ đồng) khiến công ty phải trích nguồn vốn ngắn hạn dẫn đến tình trạng mất cân đối.

Phương Đông VnExpress