Quy hoạch phát triển nuôi thủy sản ở Mỹ Tiến
Với vị trí địa lý và địa hình có nhiều diện tích mặt nước nên xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đã xác định phát triển nuôi thủy sản theo hướng hình thành các vùng nuôi tập trung là nhiệm vụ trọng tâm.
Xã Mỹ Tiến có 4 vùng nuôi tập trung tại các khu Lang Xá, La Đồng, La Chợ, Nguyễn Huệ với các đối tượng nuôi chính là các loại cá nước ngọt truyền thống, cá trắm đen, cá Koi. Để việc nuôi thủy sản phát triển theo vùng nuôi tập trung đúng quy hoạch, xã đã tổ chức công khai quy hoạch, tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất theo quy hoạch, tạo điều kiện để bà con vay vốn đầu tư xây dựng vùng nuôi đồng bộ, hạn chế chắp vá, quản lý các vùng nuôi chặt chẽ, không để người dân tự phát chuyển đổi vùng nuôi thủy sản phá vỡ quy hoạch. Những trường hợp cố tình vi phạm, xây nhà kiên cố trên diện tích nuôi thủy sản bị xử lý kiên quyết và chấm dứt hợp đồng. Nhờ sản xuất trong vùng nuôi thủy sản tập trung thôn La Chợ, ông Trần Văn Mịch có diện tích tập trung hơn 1ha nuôi các đối tượng chính là cá trắm đen, cá Koi. Ông cho biết: “Từ khi hình thành vùng nuôi tập trung, người nuôi chúng tôi cũng yên tâm đầu tư phát triển nghề hơn rất nhiều bởi nhiều thuận lợi: chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nguồn nước, cách phòng trị bệnh cho cá, cách chăm sóc đàn cá hiệu quả… Ngoài ra, chúng tôi còn có thể hỗ trợ nhau trông coi, bảo vệ an ninh trật tự khu vực nuôi”.
Ông Trần Văn Quý cũng có ao nuôi cá trắm đen tập trung tại khu La Chợ. Những ngày cuối năm, ông đang tranh thủ thu hoạch cá cho thương lái đến mua. Những lứa cá sau quá trình chăm sóc cẩn thận đến mùa thu hoạch cuối năm thường nặng từ 4-7kg với giá bán bình quân là 100 nghìn đồng/kg, mỗi năm ông thu lãi từ 200-250 triệu đồng. Ông Quý cho biết: “Cá trắm đen có nhu cầu về ô-xy cao hơn các loài cá khác. Nếu không đủ ô-xy cá sẽ phát triển chậm, dễ bị dịch bệnh và chết. Do vậy muốn đảm bảo ô-xy cho cá phải quản lý môi trường nước ao nuôi luôn sạch, bề mặt ao phải thoáng. Tốt nhất mỗi 500m2 ao nuôi nên bố trí một máy phun mưa để tăng sự khuyếch tán ô-xy từ không khí vào trong nước khi cần thiết. Nước trong ao phải dễ dàng thay tháo khi cần thiết”. Bên cạnh đó, theo ông Quý, đáy ao phải tháo vét bùn hằng năm, không nên để bùn quá dày dễ bị thối, là nơi cư trú cho các loài sinh vật gây bệnh và sinh ra nhiều khí độc. Hằng ngày, hằng tuần ông Quý luôn có thói quen theo dõi môi trường nước, nhiệt độ, ô-xy trong nước, nồng độ pH, phân tích đánh giá môi trường nuôi để kịp thời xử lý. Với mục đích nuôi cá nước ngọt ngày càng hiệu quả hơn, các hộ nuôi cá trong vùng nuôi tập trung của xã đã liên kết, hỗ trợ nhau trong việc ứng dụng công nghệ nuôi cá công nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y và xử lý dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
Các hộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt để nhận xét, đánh giá, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và rút kinh nghiệm nuôi thả trong vùng nuôi tập trung. Từ hiệu quả kinh tế cao của các vùng nuôi tập trung, trong những năm gần đây, được sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, một số hộ đã chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp trồng cây theo mô hình VAC, bước đầu cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Mặc dù kết quả nuôi thủy sản khác nhau qua từng năm nhưng các vùng chuyển đổi đi vào hoạt động đều có hiệu quả gấp từ 5-10 lần so với trồng lúa. Phát triển nuôi thủy sản theo quy hoạch đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân trong xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt của người dân xã Mỹ Tiến cũng được nâng cao rõ rệt. Thông qua kết quả thực tiễn, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ nuôi cho các dự án chuyển đổi sang nuôi thủy sản, người nuôi có thêm những kinh nghiệm, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững cho nghề nuôi thủy sản của xã nói riêng và của toàn tỉnh nói chung.
Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; thực hiện tốt việc quy hoạch vùng nuôi nhằm khai thác lợi thế về đất đai; đẩy mạnh công tác khuyến ngư, tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi giúp người nuôi thủy sản thành thạo các kỹ thuật, chủ động sản xuất, hạn chế rủi ro; tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản có khả năng thâm canh cao; khuyến khích người dân nuôi theo phương thức công nghiệp.