Rễ cây Địa hoàng giúp chống lại nhiễm khuẩn trên cá
Ngoài tác dụng được biết đến khi trộn vào thức ăn để trị bệnh giun sán cây địa hoàng có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và tăng cường khả năng miễn dịch của cá.
Các nghiên cứu thảo mộc bổ sung vào thức ăn với vai trò như chất phụ gia đang được tập trung và ngày càng có nhiều đối tượng mới tiềm năng. Việc sử dụng các loài thảo mộc đã được nhân rộng trong điều kiện thực tế của ao nuôi.Vấn đề quan trọng là tìm được tỷ lệ bổ sung thích hợp nhất đối với sức khỏe của cá. Các nghiên cứu trước đây từng cho biết dùng rễ cây địa hoàng xay nhuyễn sau đó trộn vào thức ăn giúp trị bệnh giun sán trên cá trê phi và đồng thời giúp cá tăng trưởng tốt.
Địa hoàng là cây thảo, sống nhiều năm, cao 30 – 40cm. Toàn cây có lông. Rễ phình lên thành củ. Lá có lông. Lá mọc tập trung ở gốc, phiến lá hình trứng ngược, gốc thuôn, đầu tròn, mép khía răng cưa tròn, gân lá hình mạng lưới nổi rõ ở mặt dưới. Trong rễ cây có chứa các chất như: Rehmannin, mannit, glucose, caroten, và một số alcaloid.
Để khám phá tính khả thi của chiết xuất từ cây địa hoàng Rehmannia glutinosa (RG) như một phụ gia thức ăn cho cá, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm nhằm đánh giá ảnh hưởng của chúng đối với đến hiệu suất sinh trưởng và chức năng miễn dịch của cá chép, Cyprinus carpio L.
Nguyên liệu bổ sung địa hoàng được chuẩn bị để bổ sung vào chế độ ăn cơ bản của cá chép trong 80 ngày.
1. Bột rễ địa hoàng khô của Rehmannia (DP),
2. Bột rễ địa hoàng tươi (PP)
3. Chiết xuất rễ địa hoàng khô (DE)
4. Chiết xuất rễ địa hoàng tươi (PE)
Tác dụng của địa hoàng đối với cá
540 cá thể cá chép con với trọng lượng trung bình 7,46 ± 1,06 g được phân bổ ngẫu nhiên thành 9 nhóm khác nhau, mỗi nhóm được cho ăn một trong các chế độ ăn sau: chế độ ăn cơ bản là đối chứng , chế độ ăn bổ sung 2% DP (LDP), chế độ ăn 4% DP (HDP), chế độ ăn thêm 2% PP (LPP), chế độ ăn thêm 4% PP (HPP), chế độ ăn bổ sung 0,5% DE (LDE), chế độ ăn bổ sung 1% DE (HDE), chế độ ăn bổ sung thêm 0,5% PE (LPE) hoặc chế độ ăn bổ sung thêm 1% PE (HPE). Sau đó tốc độ tăng trưởng và tình trạng sức khỏe của cá sẽ được đánh giá.
Kết quả phân tích cho thấy hiệu suất tăng trưởng tăng lên đáng kể ở các nhóm bổ sung địa hoàng so với nhóm chứng (P <0,05). Các thông số miễn dịch không đặc hiệu chẳng hạn như hoạt động thực bào bạch cầu cũng được cải thiện ở tất cả các nhóm bổ sung địa hoàng. Tuy nhiên, chỉ nhóm HPP có hoạt tính lysozyme cao hơn đáng kể, và các nhóm LPP, HPP và HDE cho thấy sự khác biệt đáng kể trong hoạt động thực bào bạch cầu so với nhóm chứng.
Đối với các gen liên quan đến miễn dịch, như IL-1β, TNF-α và iNOS, sự điều chỉnh được quan sát thấy trong ba cơ quan là đầu thận, lá lách và ruột cho thấy cá được cho ăn bằng chế độ ăn bổ sung địa hoàng cao hơn đáng kể so với nhóm cá đối chứng. Ngược lại, biểu hiện gen của IL-10 hoặc TGF-β được điều chỉnh giảm cho thấy địa hoàng giúp cá tăng khả năng miễn dịch mạnh hơn.
Gây nhiễm thực nghiệm với vi khuẩn Aeromonas hydrophila cho thấy tỷ lệ sống cao hơn đáng kể ở các nhóm HDP, LPP, HPP và HDE so với nhóm chứng (P <0,05).
Trong nghiên cứu này, chiết xuất từ rễ cây địa hoàng (RG) có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và tăng cường khả năng miễn dịch của cá một cách có ý nghĩa, gợi ý rằng rễ cây địa hoàng là một phụ gia thức ăn đầy hứa hẹn cho cá trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Cung cấp một nguyên liệu hữu ích trong tương lai.