Rót vốn xuống sông Gâm nuôi cá
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp hàng chục hộ ND mở rộng quy mô nuôi cá lồng dọc sông Gâm, thuộc thị trấn Na Hang, huyện Na Hang (Tuyên Quang). Đến nay, các hộ vay vốn đều đã có thu nhập ổn định, có của ăn của để.
Theo ông Trần Văn Chiến - Chủ tịch Hội ND tỉnh Tuyên Quang, các dự án sử dụng Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đều đang phát huy hiệu quả. Riêng Dự án “Chăn nuôi cá thương phẩm trong lồng” tại thị trấn Na Hang có tổng nguồn vốn 300 triệu đồng với 10 hộ hưởng lợi.
Vốn vay đến đúng đối tượng
Nói về cách thức triển khai các dự án sử dụng Quỹ HTND, ông Trần Văn Chiến cho rằng, để đảm bảo dự án hiệu quả, trước khi giải ngân vốn, Hội ND tỉnh đã yêu cầu Hội ND cơ sở bình xét, chọn hộ tham gia phù hợp, có điều kiện về cơ sở vật chất, lao động.
Ông Nguyễn Văn Khang – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Na Hang cho biết, trước khi triển khai dự án, Hội đã cử cán bộ nhiều lần đi khảo sát thực tế các hộ nuôi cá lồng dọc sông Gâm để tìm hiểu kỹ về điều kiện, quy mô sản xuất. Trên cơ sở khảo sát, Hội duyệt các hộ đủ điều kiện tham gia rồi mới giải ngân. “Sau khi giải ngân cho 10 hộ nuôi cá lồng ở thị trấn, chúng tôi luôn có cán bộ theo dõi quá trình sử dụng vốn. Đến khi dự án kết thúc chu kỳ 2 năm, các hộ không chỉ hoàn lại vốn vay đúng hạn mà còn làm ăn có lãi, một số hộ thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng” – ông Khang chia sẻ.
Tuyên truyền nhân rộng mô hình
Cùng cán bộ Hội ND Na Hang lên thuyền ra thăm mô hình nuôi cá lồng của anh Nguyễn Minh Tuấn, thị trấn Na Hang mới thấy rõ hiệu quả của dự án. Trước khi vay vốn, anh Tuấn đã đầu tư nuôi cá lăng chấm, trắm cỏ nhưng lại thiếu tiền tu sửa lồng, mua thức ăn. “Đúng lúc đó, Hội ND huyện đi khảo sát đặt vấn đề cho vay vốn, tôi mừng quá bắt tay ngay vào gia cố lồng, mua cá giống, thức ăn” – anh Tuấn kể.
Anh Tuấn tính, hiện anh đang nuôi hơn 20 lồng cá, trong đó có 4 lồng cá chiên với khoảng 400 con, hiện sắp được thu hoạch với trọng lượng 2kg/con, bán giá khoảng 500.000 đồng/kg; 1.000 con cá lăng chấm với trọng lượng khoảng 2kg/con, bán với giá hơn 200.000 đồng/kg. Ước tính tổng cộng anh Tuấn có doanh thu khoảng 800 triệu đồng.
Về đầu ra cho cá nuôi, cũng như các hộ cùng nghề, anh Tuấn chưa bao giờ phải lo, vì nhu cầu được cung cấp cá của các khách sạn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh rất lớn. Năm nào đến đợt thu hoạch cá, gia đình anh và hàng chục hộ nuôi cá trên sông Gâm chỉ cần 1 cuộc điện thoại là có người đến tận bè thu mua ngay.
Trong 2 năm được hưởng lợi từ dự án, ông Vũ Duy Ly đã có đủ điều kiện mở rộng, phát triển lên hơn 30 lồng cá với tổng số hàng ngàn con cá nuôi đủ các loại như lăng, chiên, chép…“Tuy mỗi hộ chỉ được vay 30 triệu đồng, nhưng vốn đến đúng thời điểm bà con khó khăn nên càng quý. Từ đồng vốn đầu tư vài chục triệu đồng của dự án, chúng tôi mới làm ra được hàng trăm triệu đồng… Quan trọng hơn, sự thành công của dự án đã cổ vũ thêm nhiều hộ khác mạnh dạn đầu tư hoặc mở rộng quy mô nuôi cá lồng”– ông Ly bộc bạch.
"Các hộ được vay vốn không chỉ có cơ hội đầu tư làm ăn có lãi, mà còn giúp đỡ các hộ khác về kinh nghiệm, kỹ thuật. Nếu được hỗ trợ về vốn, chắc chắn dọc sông Gâm sẽ có nhiều hộ khấm khá từ nghề nuôi cá lồng”. Ông Nguyễn Văn Khang