Rừng ven biển, lợi ích lớn
Hơn 20 năm trước, đến xã Vĩnh Hải (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có thể đi dọc theo triền bãi cát dài ngút mắt tới Hồ Bể. Bãi nghêu Trà Sết (Vĩnh Hải) là điểm dã ngoại thú vị của học trò. Khi nước triều xuống, ra cách bờ chừng 1 km sục chân xuống lớp cát là chạm vào nghêu, gặp đủ loại nghêu lớn nhỏ, có con to bằng trái bần...
Còn huyện Cù Lao Dung nằm trên cù lao lớn nhất giữa sông Hậu giáp tỉnh Trà Vinh với cửa Định An và cửa Trần Đề (Sóc Trăng). Xã An Thạnh Nam phía giáp biển mỗi năm bồi thêm khoảng 50 ha đất nhờ giữ được 1.200 ha rừng bần phòng hộ. Nếu tính luôn diện tích rừng bần xã An Thạnh Ba kế bên thì bãi biển nơi đây mênh mông đai rừng bần phòng hộ màu xanh bát ngát, vẻ đẹp hoang sơ kỳ thú nơi hạ nguồn sông Cửu Long. Nơi đây thu hút hàng vạn con dơi quạ, dơi ngựa, chim thú khác về trú ngụ và 36 loài thủy sản tái sinh dưới tán rừng...
Từ năm 1999, tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận vốn năm đầu tiên của chương trình 661 trồng rừng phòng hộ ven biển. Năm sau, dự án bảo vệ và phát triển vùng đất ngập nước ven biển Sóc Trăng (WB) triển khai trồng rừng, giao khoán bảo vệ rừng đến từng hộ dân hoặc nhóm hộ. Do rừng phòng hộ ven biển không thể kết hợp SX nên số tiền các hộ nghèo nhận khoán không đủ sống. Dự án WB kết thúc vào cuối năm 2007, tỉnh tạm thời giao 790 ha rừng phòng hộ ven biển Vĩnh Châu cho 3 đồn biên phòng bảo vệ trong 3 năm (2008-2010).
Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng tiến hành trồng thử nghiệm rừng đước phòng hộ ven biển ở các xã Vĩnh Hải, Lạc Hoà, Vĩnh Tân, Vĩnh Phước theo phương châm bãi bồi đi trước, rừng đước theo sau. Khi cây mắm đã trụ được trên bãi bồi thì cây đước được trồng chen vào, chỉ sau 2 năm cây đước trở thành rừng non. Năm 2008, Chi cục tiếp tục trồng 150 ha rừng đước ở xã Vĩnh Hải, do thời tiết khắc nghiệt và bảo vệ chưa tốt nên rừng non bị chết gần 65 ha. Phần lớn cây đước nhỏ thiệt hại do sóng biển đánh trôi vào mùa gió chướng... Đến năm 2010, Chi cục trồng thêm 816 ha rừng phòng hộ ven biển huyện Vĩnh Châu, số cây đước còn sống đạt trên 85%.
Sau mỗi đợt trồng, diện tích rừng phòng hộ ven biển được mở rộng hơn. Đến nay, diện tích rừng ven biển kể cả rừng tự nhiên của Sóc Trăng là 5.300 ha, riêng huyện Vĩnh Châu hơn 3.000 ha. Trong suốt dải rừng phòng hộ ven biển huyện Vĩnh Châu dài hơn 45 km, từ cửa sông Mỹ Thanh (Vĩnh Hải) chạy dài tới xã Lai Hoà, ấn tượng nhất là cánh rừng nằm ngoài đê biển ở ấp Âu Thọ B (Vĩnh Hải), cây đước mọc ken nhau trải dài một màu xanh mượt ra tận biển. 120 ha rừng đước nơi đây được trồng trước năm 1999 do các nhóm đồng quản lý chăm sóc.
Bây giờ đến xã Vĩnh Hải không thể chạy xe honda dọc theo bãi cát ven biển về thị trấn Vĩnh Châu như 20 năm trước, vì đai rừng phòng hộ chắn hết. Từ mép nước dài ra ngoài bãi có đoạn lấn ra hơn 700 m. Rừng trồng được hợp đồng với các hộ dân cư trú ven biển, sau khi đo đạc và cặm ranh thì dân nhận cây giống đem trồng, cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra và nghiệm thu.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cho biết, ở ấp Âu Thọ B còn một xóm dân cư gần mé biển, chỉ có một con đường xuống biển xuyên qua cánh rừng phòng hộ. Lão nông người Khmer Dương Miêng (64 tuổi) trong xóm làm Tổ trưởng Tổ 1 nhóm đồng quản lý nói: Cách đây gần chục năm khi nước biển lớn đã vô tới mé rẫy, lúc đó phía ngoài rẫy đắp lên một giồng cát nhỏ, phía trên trồng cây me keo để giữ bờ cát chặn nước mặn vào. Còn bây giờ thì không cần, bởi vì nước mặn chỉ lên tới mé bìa rừng nên người dân mở rẫy ra phía biển không còn lo sợ nữa. Nhờ có dải rừng phòng hộ này, sình bùn cứ bám theo cây đước, cây mắm mà bồi dày thêm, đẩy bãi cát ngày càng rộng ra phía biển...
"Người dân đã hiểu rõ những lợi ích mà tán rừng phòng hộ mang lại cho họ cả về kinh tế lẫn môi trường sinh thái. Việc chặt củi trong rừng phòng hộ vẫn còn nhưng giảm đi rất nhiều, mức độ cũng chỉ là chặt cây khô và cành chết, chứ không đốn cây đước lớn còn sống như trước đây. Vài năm tới, nếu tiếp tục trồng rừng phòng hộ đến xã Lai Hòa giáp ranh tỉnh Bạc Liêu thì chắc chắn bờ biển huyện Vĩnh Châu sẽ lấn ra thêm...", ông Miêng khẳng định.