Sản lượng tôm nuôi của In-đô-nê-xi-a có thể tăng mạnh
Bộ Biển và Nghề cá In-đô-nê-xi-a đã đặt mục tiêu sản lượng tôm của nước này đạt 608.000 tấn trong năm 2013, tăng cao so với mức sản lượng 415.703 tấn trong năm 2012. Mục tiêu trên dựa trên sản lượng 320.000 tấn mà nước này đạt được trong nửa đầu năm nay. Ngoài ra, giá tôm tăng do nhu cầu thị trường tăng mạnh cũng là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất tôm của nước này.
So với các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á, In-đô-nê-xi-a có tiềm năng lớn để nâng cao sản lượng tôm. Cả nước có 1,2 triệu ha diện tích tiềm năng cho nuôi tôm và 773.000 ha thực sự có hiệu quả. Với tiềm năng này, In-đô-nê-xi-a có thể trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu tôm lớn nhất trên thế giới. Thêm vào đó, hội chứng EMS bùng nổ ở một số quốc gia nuôi trồng thủy sản lớn ở châu Á như Thái Lan Việt Nam và Malaysia càng giúp In-đô-nê-xi-a có thêm cơ hội.
Từ năm 2012, dự án thí điểm các ao nuôi tôm đã phát triển tại sáu huyện duyên hải phía Bắc của Tây Java và Banten và sẽ được mở rộng lên 28 huyện tại 6 tỉnh ở Trung Java, Đông Java, Nam Sulawesi, West Nusa Tenggara và Lampung trong năm nay. Tuy nhiên, để trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới, In-đô-nê-xi-a sẽ phải đối mặt nhiều thách thức lớn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Do vậy, để tồn tại, các nhà sản xuất càng phải nỗ lực nhiều hơn. Họ phải liên tục tiếp cận với các công nghệ nuôi mới.
Để thúc đẩy sản lượng tôm, Bộ Biển và Nghề cá đã đưa ra chương trình công nghiệp hóa ngành nuôi tôm nước này. Ngoài công nghệ, các quy định và biện pháp khuyến khích cũng rất cần thiết để phát triển một hệ thống nuôi bền vững.
In-đô-nê-xi-a hiện đang phải đối mặt với cạnh tranh thị trường mở trong khu vực thuộc lộ trình Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Vì vậy, các bên liên quan trong các chương trình công nghiệp hóa nghề nuôi tôm cần phối hợp và hợp tác để cải thiện chất lượng và an toàn của các mặt hàng thực phẩm.