TIN THỦY SẢN

Sản xuất, kinh doanh có điều kiện là lối thoát cho cá tra

NT

Rót vốn với hy vọng mong manh giải cứu ngành cá tra hay ngừng bơm vốn để các DN làm ăn chụp giựt, theo phong trào, thiếu sự đầu tư… phá sản, tạo cơ hội cho các DN kinh doanh chân chính chủ động giữ vững giá XK 3,5 USD/kg như nhiều năm trước đây? Nhiều chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh hiện nay nên chọn hướng thứ hai bởi đã đến lúc phải tái cơ cấu ngành và tất yếu sẽ có DN “chết” nhưng cũng là “cái chết có ý nghĩa“.

Ảnh minh họa. Nguồn HUNG VUONG CORP

DN và người nuôi đang thiếu vốn trầm trọng, vì vậy hơn lúc nào hết phải bơm vốn tiếp sức cho cá tra. Một số DN khẳng định cần có ngay vốn để ngành cá tra không sụp đổ, đặc biệt là với DN và người nuôi khó khăn, thậm chí đang đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không nên giải cứu ngành cá tra cho dù ngành sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí sẽ có một số DN phải giải thể. Nhưng đứng ở góc độ thị trường, việc các DN yếu kém tự đào thải sẽ làm giảm sự cạnh tranh không lành mạnh từng làm cho cái tên cá tra trở nên xấu đi trong con mắt người tiêu dùng.  

Thử nhìn lại gói cứu trợ khủng hoảng thừa nguyên liệu cá tra năm 2008. Thành quả duy nhất của gói cứu trợ đó là cứu nguy cho ngành cá tra ở thời điểm bấy giờ, nhưng hệ quả của nó là để xảy ra một cuộc chạy đua giảm giá XK!? Gói cứu trợ năm 2008 đã giúp cá tra duy trì sự tồn tại của gần 250 DN XK với khối lượng và giá trị XK đều tăng trưởng mạnh so với năm trước, trong đó khối lượng tăng 65% đạt 640 nghìn tấn và giá trị tăng 48% đạt 1,45 tỷ USD. Tuy nhiên, giá cá tra trung bình XK lại không tăng mà có xu hướng giảm dần, từ 2,26 USD/kg năm 2008 xuống còn 2,20 USD/kg năm 2009 và đến năm 2010 chỉ còn 2,16 USD/kg! Liệu điều gì sẽ xảy ra khi dùng thang thuốc cũ này để chữa căn bệnh mới?

Một DN cá tra đã “chinh chiến” nhiều năm tại Mỹ chia sẻ về thị trường bằng câu chuyện bán trái cây dạo dọc đường. Đầu tiên có 1 xe bán trái cây, sau 1 tháng có thêm 1 xe nữa. Rồi dần dần có nhiều xe bán trái cây hơn. Người mua bắt đầu chạy đi trả giá. Người bán không biết làm sao để bán được hàng với giá người mua trả, bèn bắt đầu cân ăn gian. Tiếp đến là đưa lẫn cả trái cây xấu vào. Dần dần người mua mệt mỏi, chán nản không muốn mua nữa vì họ thấy phải mất thời gian để kiểm tra sản phẩm.

Và thị trường cá tra Mỹ hiện nay không khác lắm với câu chuyện bán trái cây dạo trên đây, khi nhiều DN cùng đổ xô vào thị trường Mỹ khiến các DN phải chịu "thương tích" đầy mình! DN này cũng cho biết thêm: XK vẫn tăng mạnh, nhưng giá XK giảm và lợi nhuận đang bị thu hẹp. Vậy nên chăng chủ động giảm số DN XK thay vì để “trăm hoa đua nở”, tránh được cảnh “vạn người bán trăm người mua” dẫn đến tình trạng như hiện nay?

Trên thực tế, tại Châu Âu có những lúc có hơn 150 DN Việt Nam tham gia XK vào thị trường này nhưng mỗi DN lại chào bán sản phẩm với mức giá khác nhau, quy chuẩn sản phẩm cũng khác nhau khiến nhà NK Châu Âu “không biết đâu mà lần”! Hệ quả là nhà NK hiện đang trả giá cá tra thấp trong khi năm 2005 chỉ có 67 DN XK lại không có hiện tượng này! Số DN XK tăng nhưng giá trung bình XK sang Châu Âu có xu hướng giảm, điều đó đồng nghĩa với việc miếng bánh lợi nhuận sẽ nhỏ dần nhỏ dần từng chút một, cuối cùng sẽ quắt lại còn tí tẹo.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, nền kinh tế thị trường với những sóng gió của nó như một cách thanh lọc ra các DN có khả năng cạnh tranh. Các DN yếu, thiếu vốn, không còn khả năng hoạt động phải dần dần co cụm, chuyển đổi tài sản, nhà máy, vùng nuôi cho DN khỏe, tiềm lực lớn hoặc chủ động chuyển đổi ngành nghề hoạt động phù hợp hơn đôi khi lại là phương thức kinh doanh sáng suốt. Thậm chí có DN mạnh dạn tuyên bố phá sản và rút khỏi thị trường cho thấy DN đã chủ động gỡ thế bế tắc cho chính mình.

Như vậy, ngành cá tra sẽ có số DN XK đủ để tạo ra sức mạnh cùng nhau phát triển thị trường, hoạt động XK sẽ tốt hơn. Vì vậy, các chuyên gia đó cho rằng cũng đừng nên lo lắng nhiều với việc không giải cứu ngành cá tra mà hãy xem đó là giải pháp nhằm đem đến “ánh sáng cho cuối đường hầm”, giúp đưa giá XK cá tra trở về đúng như giá trị chất lượng thực vốn có của nó, tương đương giá của các loài cá thịt trắng khác trên thị trường thế giới.

Có lẽ đã đến lúc phải sắp xếp, tái cơ cấu ngành cá tra, từ khâu tổ chức lại hoạt động nuôi, hướng đến ổn định sản lượng và chất lượng nguyên liệu, đến việc quy hoạch, bố trí nhà máy chế biến cho phù hợp. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng VASEP cần tiếp tục kiến nghị Nhà nước quy định hoạt động sản xuất, kinh doanh cá tra có điều kiện, đồng thời “luật hóa” những quy định như giá sàn XK, cơ chế đàm phán giá...Và đó phải chăng là lối thoát cho ngành cá tra? 

NT vasep.com.vn