TIN THỦY SẢN

Sản xuất lúa trên đất nuôi tôm gặp khó vì mặn

Ðầm lúa - tôm của ông Sơn Thành, ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Ðông, ở vụ mùa qua độ mặn lên đến trên 30%o. Bài và ảnh: Liêu Hỏn

Nếu như mọi năm thì vào thời điểm này bà con nông dân trong huyện Thới Bình đã bắt tay vào làm đất để gieo mạ chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên, đến thời điểm này theo nhiều bà con nông dân độ mặn trong vuông tôm còn khá cao, lượng mưa không đủ để rửa mặn nên chưa ai xuống giống.

Gần 10 năm sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm nhưng chưa năm nào ông Nguyễn Hoàng Ðô, ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Ðông, lại trăn trở như ở vụ mùa năm nay. Ông cho biết, mặc dù đầm tôm hơn 3 công của ông đã tháo nước rửa mặn đã 2 lần để đón những cơn mưa lớn nhưng đến nay độ mặn trong vuông ông và một số hộ lân cận vẫn còn khá cao, gần 20%o.

Ông Nguyễn Trang Nghiêm, Chủ tịch UBND xã Biển Bạch Ðông, cho biết, xã có diện tích sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm nhiều nhất trong huyện, với hơn 4.200 ha. Ở vụ mùa qua có hơn 3.000 ha lúa bị thiệt hại từ 70-100% nên năm nay sẽ là năm khó khăn cho xã vận động Nhân dân tiếp tục sản xuất lúa. UBND xã cũng đã chỉ đạo Hội Nông dân xã kết hợp Phòng NN&PTNT huyện tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật và đưa ra các giống lúa mới có khả năng chịu mặn và cho năng suất cao để nông dân sản xuất như giống lùn Kiên Giang, BTE1, Bụi đỏ và Tài nguyên… đồng thời, cũng quy hoạch triển khai cánh đồng lớn lúa - tôm với quy mô diện tích hơn 200 ha cho gần 100 hộ ở ấp Quyền Thiện.

Kỹ sư Lê Thanh Hùng, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thới Bình, nhận định, theo thông báo hướng dẫn lịch thời vụ thì rửa mặn từ tháng 7/2016 đến khi đảm bảo độ mặn trong ruộng ổn định ở mức dưới 1%o trước khi gieo sạ 10 ngày và gieo mạ trước 25-30 ngày. Ðồng thời áp dụng kỹ thuật cải tạo phèn mặn bằng bón vôi với liều lượng 25-30 kg/ha là phù hợp.

Nhưng theo ông Hùng đánh giá, năm nay để rửa mặn dưới 1%o là rất khó khăn nếu lượng mưa không đảm bảo và nông dân không thường xuyên rút nước trong đầm tôm. Chính vì thế bà con nông dân cần theo dõi thường xuyên, chặt chẽ thời tiết và khuyến cáo của ngành nông nghiệp để chủ động sản xuất, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra như ở vụ mùa qua./.

Bài và ảnh: Liêu Hỏn Báo Cà Mau, 07/08/2016