Sản xuất và bảo quản trứng nghỉ Moina
Nghiên cứu tìm ra nguồn thức ăn phù hợp ảnh hưởng đến sản xuất kén và bảo quản trứng nghỉ giúp gia tăng tỉ lệ nở.
Thức ăn tự nhiên tươi sống và phát triển trong hệ thống ao nuôi là chuỗi thức ăn quan trọng cho các ấu trùng tôm cá. Trước đây, Artemia là thức ăn tươi sống, phổ biến cho ấu trùng cá, đặc biệt là những nhóm cá thương mại tuy nhiên, chi phí cho Artemia là một vấn đề lớn đối với việc sản xuất cá bột và cá giống ở các trại sản xuất giống thủy sản. Vấn đề này đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển và tìm ra được những động vật phiêu sinh có thể thay thế cho Artemia, phù hợp với chi phí sản xuất đã được nỗ lực tập trung nghiên cứu.
Trong đó, Moina hay còn gọi là trứng nước hoặc bo bo là thức ăn lý tưởng cho nhiều loài cá con sống trong môi trường nước ngọt (Rottmann, 1992) nhờ vào đặc điểm có kích thước nhỏ, giá trị dinh dưỡng cao.
Moina spp có thể sinh sản theo phương thức sinh sản đơn tính và hữu tính. Ở điều kiện tối ưu, Moina spp cái từ 4 - 7 ngày tuổi bắt đầu sinh sản với số lượng từ 4 - 22 con. Mỗi lứa cách nhau từ 1,5 đến 2 ngày, mỗi con cái đẻ từ 2 - 6 lần trong đời. Trong điều kiện bất lợi chúng sẽ sinh kén (Rottmann et al, 2003).
Moina micrura là loài giáp xác sinh sản đơn tính được tìm thấy phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Trong điều kiện bất lợi, Moina sinh kén (túi chứa trứng nghỉ) (Dodson et al, 2010). Trong khi trứng nghỉ của nhiều loại động vật phù du như: Artermia, Daphnia, Rotifer đã được sử phổ biến trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua, tuy nhiên trứng nghỉ M. micrura vẫn chưa được nghiên cứu nhiều vì lý do khó sản xuất thương mại và tỉ lệ nở thấp.
Moina và 2 hình thức sinh sản: đơn tính, hữu tính.
Trong nghiên cứu này, các loại thức ăn và điều kiện môi trường (pH, nhiệt độ) nhằm sản xuất và bảo quản kén Moina đã được nghiên cứu. M. mirura được nuôi bằng 3 loại thức ăn khác nhau: Cám gạo, men bánh mì và tảo Scenedesmus sp.
Phương pháp tạo kén M. micrura
Các thí nghiệm được thực hiện trong hộp nhựa 5 L, bố trí với mật độ là 200 cá thể/L. Thức ăn sử dụng trong nghiên cứu gồm: Cám gạo (0,3; 0,6; 0,8; 1; 1,2 mL/L) ; tảo Scenedesmus sp. (102, 103, 104, 105, 106 tb/ml); men bánh mì Mauripan (0,05; 0,1; 0,5; 1; 1,5 g/L). Khẩu phần ăn: 1 lần/ngày, liên tục 5 – 6 ngày; sau đó cho ăn 2 ngày/lần.
Phương pháp chuẩn bị cám gạo: Sử dụng 100 g cám gạo + 500 mL nước cất, xay với tốc độ 2.000 rpm trong thời gian 15 phút, để yên 30 phút sau đó tiếp tục xay với tốc độ 2.000 rpm trong thời gian 15 phút. Cuối cùng lọc qua lưới 0,1 mm và bảo quản ở 4ºC (Mubarak et al, 2017).
Bảo quản kén M. micrura
Kén M. micrura sau khi thu hoạch, rửa sạch với nước cất, sàng lọc chọn kén chứa 2 trứng nghỉ bằng kính Stemi 305 (ZEISS), kén được để khô tự nhiên trong 60 phút ở nhiệt độ phòng. Sau khi sấy, kén được lưu trữ trong tube nâu 1,5 mL và bảo quản trong thời gian 2 tháng, tiến hành bố trí ấp nở với 10 kén/giếng ở điều kiện ấp (nhiệt độ nước 28ºC; pH = 7; L:D = 12:12; cường độ chiếu sáng 800 Lux), nhằm đánh giá các điều kiện bảo quản dựa vào tỉ lệ nở của trứng đạt được.
Kết quả
Nghiên cứu bước đầu đã đánh giá được ảnh hưởng của các loại thức ăn lên khả năng sinh kén M. micrura. Số lượng kén đạt cao nhất là 180 ± 12 kén/L khi nuôi bằng cám gạo 0,6 mL/L, ngược lại nghiệm thức không sinh kén khi sử dụng men bánh mì 1g và 1,5g.
Đồng thời, đánh giá được ảnh hưởng của điều kiện bảo quản (nhiệt độ sấy 32,5ºC; thời gian sấy 30 phút; bảo quản sau 2 tháng ở 4ºC) sẽ cho tỉ lệ nở trứng nghỉ trong kén là 30 ± 5%; kèm phương thức ấp nở trứng nghỉ trong kén ở điều kiện (không xử lý NaClO; pH = 7, nhiệt độ nước ấp 28ºC, L:D = 12:12 và cường độ chiếu sáng 850 Lux).
Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy triển vọng của việc sản xuất kén M. micrura nhằm ứng dụng trong thủy sản là rất lớn. Việc sản xuất và bảo quản kén M. micrura có thể chủ động được nguồn giống Moina sạch, rõ nguồn gốc và chất lượng, khả năng nhân sinh khối nhanh, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các hộ nuôi.
Theo Lê Văn Hậu và cộng sự.