Sò điệp “được mùa, mất giá”
Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, ngư dân phường Mũi Né (Phan Thiết) liên tục “được mùa” sò điệp với sản lượng tăng cao, nhưng giá bán lại quá thấp.
Ngay từ sáng sớm tại bãi sau của biển Mũi Né, chúng tôi ghi nhận hàng chục ghe tàu đang cập bãi và chuyển sản phẩm lên bờ. Bên cạnh các loại hải sản thông thường như cá, mực, ghẹ… là lượng lớn sò điệp xòe như cánh quạt đựng trong túi ni lông, bao tải… thu hút nhiều thương lái đến đây mua bán. Một phần đưa lên xe tải vận chuyển đến tỉnh khác tiêu thụ, một phần tập trung vào các trại dựng ngay trên bãi biển để sơ chế, cạy tách vỏ lấy cồi sò. Tất cả các hoạt động ở bãi sau tạo bầu không khí nhộn nhịp, tất bật giữa ngư dân, thương lái và người lao động.
Từ cuối tháng 5 đến nay, các ngư dân phường Mũi Né liên tục trúng đậm vụ khai thác sò điệp. Bình quân mỗi thuyền giã đơn sau 1 đêm khai thác đều đạt sản lượng cao, từ 1 - 2 tấn. Mùa gió nam này, các thuyền nghề tại Mũi Né đều đã di chuyển từ bãi trước để chuyển về khu vực bãi sau nhằm tránh gió. Thời điểm bình minh, hình ảnh dễ bắt gặp nhất tại đây là khung cảnh thuyền ghe tấp nập các bao tải đầy sò vừa mới khai thác về. Do sản lượng khai thác cao nên giá bán năm nay cũng giảm. “Không hiểu môi trường biển ngoài đó như thế nào thì mình không biết, nhưng năm nay rất được mùa sò điệp. Giá bán thì thấp hơn năm ngoái khá nhiều.
Với sò điệp có màu đỏ ngói, người dân gọi là điệp xốp, điệp ngói, giá khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Riêng sò có vỏ màu trắng ngà ngà điểm màu hồng nhạt, gọi là điệp bay, giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Sau một đêm khai thác, mỗi tàu đánh bắt từ 1 - 3 tấn sò điệp. Điều đó cho thấy sản lượng tăng cao gấp 3 - 5 lần so với chính vụ năm ngoái, nhưng giá bán năm nay giảm hẳn 70%. Mặc dù ghe tàu trúng mùa sò điệp, nhưng anh em thuyền viên chỉ kiếm được 500.000 - 700.000 đồng mỗi chuyến biển sau khi trừ chi phí. Sự chênh lệch không đáng kể, so với năm ngoái chỉ đánh bắt được vài tạ, mà giá bán 20.000 - 30.000 đồng/kg sò điệp xốp.
Câu chuyện được mùa mất giá vẫn tiếp diễn với ngư dân Mũi Né. Và nút thắt là chưa có chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến các sản phẩm sò điệp từ nguyên liệu cho đến tay người tiêu dùng. Một khi có chuỗi liên kết, thì giá bán sản phẩm của ngư dân sau thu hoạch sẽ ổn định hơn.