So sánh cá rô phi trong 2 mô hình: Nuôi độc canh và nuôi kết hợp lúa - cá
Sự đa dạng và phong phú hơn về vi sinh vật trong môi trường ruộng lúa so với ao nuôi đơn sẽ góp phần vào năng suất tăng trưởng và chất lượng cơ của cá.
Đặt vấn đề
Ngành nuôi trồng thủy sản tuy có nhiều lợi thế nhưng rủi ro cũng không ít, nhất là gây ra sự ô nhiễm nguồn nước và dễ mắc nhiều bệnh trong quá trình nuôi. Những vấn đề này vừa ảnh hưởng đến kinh tế, vừa làm suy thoái môi trường. Do đó, người nuôi đang hướng tới các mô hình nuôi nuôi thủy sản bền vững, cải tiến công nghệ và khả năng quản lý để tăng năng suất, đồng thời giảm tiêu cực cho các khu vực nuôi. Việc nuôi kết hợp là một giải pháp khả thi, vừa nâng cao sản lượng, vừa cải thiện hiệu quả kinh tế. Mà còn giảm đáng kể nguy cơ suy thoái môi trường, bằng cách tích hợp các loài tương thích với nhau vào nuôi chung một hệ thống. Sự kết hợp giữa công nghệ sinh thái và nuôi trồng thủy sản sẽ tạo ra các sản phẩm thủy sản chất lượng cao trong một môi trường trong sạch.
Sự kết hợp giữa công nghệ sinh thái và nuôi trồng thủy sản sẽ tạo ra các sản phẩm thủy sản chất lượng cao. Ảnh: doungtepro.
Nhiều hệ thống kết hợp cá với lúa, cá với sen đã được báo cáo là tiết kiệm chi phí thức ăn, vì phân cá là nguồn dinh dưỡng được cây hấp thu, và ngược lại hệ vi sinh vật phong phú trong ruộng lúa được cá tiêu thụ. Môi trường nước được cải thiện, năng suất tăng trưởng cao hơn, chất lượng thịt và hương vị cá cũng vượt trội hơn những con được nuôi trong các hệ thống thông thường. Việc giảm sử dụng năng lượng sẽ giảm độc chất và vi sinh vật có hại thải ra môi trường, còn góp phần tối ưu hóa trang trại và giảm chi phí lao động.
Nuôi kết hợp cá lúa là một hệ thống tối ưu hóa sản lượng và cải thiện môi trường đáng kể. Sản lượng cá thu được vào khoảng 200-400kg/ha. Tổng các hợp chất nitơ bao gồm amoniac, nitrit và nitrat trong hệ thống giảm 60% –80% mà không cần sục khí, đạt mức tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, ít người quan về sự tăng trưởng, chất lượng của cơ thịt và hương vị của cá. Việc nghiên cứu sâu về các chỉ tiêu trên không chỉ giúp khẳng định cá rô phi có chất lượng vượt trội, mà còn hỗ trợ phát triển việc nuôi mô hình kết hợp này và thu hút được nhiều người tiêu dùng hơn cho sản phẩm.
Kết quả so sánh
Sau những thử nghiệm trên cá rô phi nuôi kết hợp, một số lợi ích đã được chứng minh. Chất lượng nước suy giảm và chế độ ăn nghèo dinh dưỡng sẽ làm giảm sự di chuyển của cá, do đó ức chế con đường tổng hợp protein, giảm protein trong mô cơ. Đồng thời, lúc này cá không sử dụng lipid làm nguồn năng lượng, nên lipid dần tích tụ nhiều trong cơ cá. Trong hệ thống kết hợp nuôi cá và trồng lúa, hàm lượng lipid trong cơ cá được cải thiện hơn, có thể là do chất lượng nước tốt, cá bơi dễ dàng, do đó chuyển hóa một lượng lớn lipid thành protein để cá sử dụng. Các vi sinh vật đa dạng và phong phú hơn trong ruộng lúa có thể là chất dinh dưỡng bổ sung cho cá rô phi so với ao nuôi đơn. Bên cạnh việc chất lượng nước được cải thiện, đây cũng có thể là một lý do quan trọng giúp cá rô phi tăng trưởng tốt hơn.
Chất lượng nước suy giảm và chế độ ăn nghèo dinh dưỡng giảm protein trong mô cơ.
Các axit amin tự do rất quan trọng để tổng hợp protein và các hợp chất nitơ khác liên quan đến những con đường trao đổi chất trong cơ thể cá. Hàm lượng các acid amin này cũng được chứng minh là có liên quan chặt chẽ đến chất lượng cơ và cải thiện hương vị thịt cá. Cá bơi lội trong một môi trường tự nhiên tốt, sẽ tạo ra một hệ thống vi sinh vật phong phú, do đó sẽ tăng cường chuyển đổi acid amin thành protein, tăng hương vị cho cá. Việc dư thừa axit hữu cơ trong các sản phẩm thủy sản cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của cơ. Tuy nhiên khi nuôi cá trong hệ thống này, cơ thịt cá lại được cải thiện có thể là do mức độ của các acid hữu cơ thấp.
Chất lượng của cơ cũng liên quan đến diện tích và mật độ sợi cơ cá và có thể bị thay đổi bởi môi trường và dinh dưỡng. Mật độ cơ thường giảm khi kích thước của cá tăng lên. Trong nghiên cứu này, chất lượng cơ của cá rô phi đã tăng lên rõ rệt, nhờ môi trường nước thúc đẩy những sợi cơ lớn hơn nhưng ít dày hơn.
Cá rô phi trong hệ thống kết hợp cá - lúa cho thấy năng suất tăng trưởng và chất lượng cơ tốt hơn. Ảnh: Tepbac.
Độ ngọt, một chỉ số quan trọng của chất lượng sản phẩm thủy sản, có liên quan đến hàm lượng Gly và Glu. Theo khảo sát, cả độ ngọt, Gly và Glu đều cao hơn đáng kể khi cá rô phi được nuôi trong ruộng lúa. Khi môi trường nước tốt hơn thì chất đất cũng tốt hơn, thịt cá sẽ ngon hơn, ít bị mốc từ đất. Ngoài ra, sự đa dạng và phong phú hơn về vi sinh vật trong môi trường ruộng lúa so với ao nuôi đơn cũng góp phần vào năng suất tăng trưởng và chất lượng cơ của cá.
Ở cá rô phi trong hệ thống kết hợp cá - lúa cho thấy năng suất tăng trưởng và chất lượng cơ tốt hơn. Ngoài ra, hương vị, độ ngọt và các giá trị hương vị tổng thể của cá cũng cao hơn so với loài này trong ao nuôi đơn. Thêm nửa, vị mốc đất trong cá cũng thấp hơn đáng kể. Điều này góp phần làm sáng tỏ chất lượng vượt trội của cá rô phi trong hệ thống kết hợp này, hy vọng sẽ thu hút nhiều người tiêu dùng hơn và hỗ trợ sự phát triển liên tục trong tương lai của việc nuôi kết hợp cá-lúa.