Sóc Trăng: Phát huy lợi thế kinh tế biển
Sóc Trăng có chiều dài bờ biển trên 70km, ngư trường rất rộng, nguồn lợi thủy sản từ biển rất phong phú. Biển Sóc Trăng có vị trí chiến lược về AN-QP, có nhiều lợi thế về chiến lược kinh tế thủy sản ven biển và nguồn lợi hải sản to lớn từ biển. Kinh tế biển Sóc Trăng gắn liền với cơ cấu kinh tế mũi nhọn từ nguồn lợi thủy sản nuôi trồng; đánh bắt hải sản; công nghiệp chế biến; thương mại-dịch vụ (TM-DV) thủy hải sản; dịch vụ hậu cần nghề cá.
Khai thác biển ở Sóc Trăng đứng thứ 15 trong tổng số 28 tỉnh có biển trên cả nước và đứng thứ 4 trong khu vực duyên hải ĐBSCL. Vì vậy, năm 2014 và những năm tiếp theo, Sóc Trăng sẽ đầu tư xứng đáng để phát huy khai thác tiềm năng kinh biển. Đó là ý kiến của ông Võ Minh Chiến, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Hiện Sóc Trăng chủ trương đầu tư mạnh cho công tác đánh bắt xa bờ. Vừa phát huy khai thác tiềm năng kinh tế từ biển, vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chính sách hỗ trợ ngư dân nâng cấp phương tiện tàu thuyền đánh bắt xa bờ đi đôi với kế hoạch phát triển kinh tế biển từ nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên, vốn là một trong những lĩnh vực kinh tế đặc thù của Sóc Trăng.
Năm 2013, sản lượng hải sản vào cảng của Sóc Trăng trên 56.000 tấn, góp phần nâng hiệu quả khai thác và giá trị kinh tế cho ngư dân, đồng thời thúc đẩy các hoạt động chế biến phát triển ổn định; TM-DV qua cảng và hậu cần nghề cá cũng có mức tăng trưởng khá. Tăng trưởng bình quân của cảng cá Trần Đề hàng năm trên 11%, góp phần nâng cao giá trị trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương…
Theo thống kê của ngành Thủy sản, hiện Sóc Trăng có 278 tàu công suất trên 90CV. Dự kiến đến năm 2015, có trên 320 tàu xa bờ; đến năm 2020 số tàu đánh bắt xa bờ nâng lên gần 400 tàu, đặc biệt là tàu có công suất từ 250CV trở lên. Vừa qua, Sóc Trăng có đề án hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ bằng nhiều biện pháp hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Từ đó, để ngư dân có điều kiện nâng cấp, đóng mới tàu đánh bắt, tàu vận tải, nhằm giảm chi phí đầu tư và sản phẩm đạt chất lượng cao hơn. Đây là tín hiệu vui của ngư dân trước tình hình đánh bắt gần bờ hiệu quả thấp, nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị suy kiệt. Bước đầu triển khai, đã có nhiều ngư dân đăng ký, cho thấy nhu cầu phát triển nghề khai thác biển đang hướng ra xa bờ. Chính sách hỗ trợ ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân.
Một vựa thu mua hải sản ở cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng).
Phát triển khai thác biển gắn với bảo vệ quyền, chủ quyền biển đảo là mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, mà UBND tỉnh Sóc Trăng đang triển khai thực hiện. Ông Võ Minh Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết thêm: “Kinh tế biển Sóc Trăng có vai trò rất lớn, có vị chiến lược rất quan trọng. Vì thế, tỉnh đang triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ ngư dân vươn ra xa bờ. Vừa phát triển kinh tế, vừa phát huy vai trò của ngư dân trong đánh bắt thủy sản, vừa phát huy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tố quốc. Tỉnh sẽ hỗ trợ và triển khai đồng bộ hơn các chính sách để phát huy lợi thế kinh tế biển”. Mục tiêu hỗ trợ ngư dân vươn ra xa bờ là chính sách khuyến khích thiết thực. Ông Nguyễn Văn Trung (ngụ ấp Cảng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) cho biết: “Ngư dân chúng tôi cũng biết phải đánh bắt xa bờ mới hiệu quả cao. Nhưng đầu tư cho đánh bắt xa bờ là rất lớn, khả năng tài chính của bà con có han, nên nghe tin tỉnh có chính sách hỗ trợ vốn cho đánh bắt xa bờ, chúng tôi vui lắm. Chắc chắn hiệu quả khai thác thủy hải sản từ biển sẽ rất cao”.
Chiến lược phát triển kinh tế biển Sóc Trăng đồng bộ với mục tiêu hỗ trợ đánh bắt xa bờ; phát huy vai trò ngư dân với nhiệm vụ bảo vệ quyền, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sóc Trăng đang tập trung nhiều biện pháp thiết thực để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng biển, tăng cường nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương