TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nga

Thịt/loin cá ngừ đông lạnh là sản phẩm chủ lực khi chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hồng Huyền

Sau một giai đoạn trì trệ do ảnh hưởng của cuộc xung đội Nga – Ukraine, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nga đã phục hồi và có xu hướng ngày càng tăng. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đã tăng gấp đôi chỉ sau 3 năm.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã tăng từ 14 triệu USD trong năm 2021 lên gần 29 triệu USD trong năm 2023. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu đã đạt gần 10 triệu USD, tăng mạnh 65% so với cùng kỳ năm 2023. Với tốc độ tăng trưởng này, Nga đang là thị trường đơn lẻ đứng thứ 4 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 4,65% trong khi kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của cả nước trong quý 1 đạt 215 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam xuất sang Nga, thịt/loin cá ngừ đông lạnh là sản phẩm chủ lực khi chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Trong năm 2023, Việt Nam có hơn 15 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nga. Trong đó, Tuna Vietnam, Hai Trieu Co., Ltd và AHFishco là 3 công ty dẫn đầu về xuất khẩu cá ngừ sang Nga, chiếm hơn 61% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Hiện việc vận tải hàng hoá từ Việt Nam sang Nga thuận lợi hơn. Các tập đoàn vận tải Nga đã mở tuyến vận tải thẳng từ Tp Hồ Chí Minh - Hải Phòng - Vladivostok và đã có một số hãng tàu khác chạy tuyến mới, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa trở nên nhanh hơn, với thời gian vận chuyển ngắn hơn. Bên cạnh đó còn có thêm hệ thống vận tải đường sắt hỗ trợ cho giao thương với Nga, giúp cho việc vận tải hàng hóa trở nên đa dạng hơn và dễ dàng hơn. 

Bên cạnh đó, những ưu đãi về thuế quan sau khi nước ta kí kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN- EAEUFTA) vào năm 2015, đã giúp cho hàng thủy sản của Việt Nam, trong đó có cá ngừ, có khả năng cạnh tranh lớn tại thị trường kinh tế này, nhất là thị trường Nga. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ ngay từ đầu năm

Cụ thể, Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 3 cho thị trường Nga sau Trung Quốc và Thái Lan. Trong khi mặt hàng xuất khẩu chủ lực là thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS030487 của Việt Nam đang theo thỏa thuận trong VN- EAEUFTA được miễn thuế khi xuất khẩu sang Nga, các sản phẩm của Trung Quốc và Thái Lan đang phải chịu thuế 3,8%. 

Mỹ đã cấm các mặt hàng cá của Nga. Do các hạn chế này, năm 2023, xuất khẩu thủy hải sản của Nga giảm 5% về mặt giá trị, xuống còn 5,8 tỷ USD. Sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng, Trung Quốc trở thành thị trường mua thủy sản chính của Nga (chiếm 49,6% về khối lượng và 49,8% về giá trị). 

Đối với Việt Nam, kể từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ ngay từ đầu năm. Năm 2023, cùng với khó khăn của nền kinh tế thế giới, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chỉ mang về 845 triệu USD, giảm 17%. Trong quý I/2024, các sản phẩm cá ngừ đã xuất được sang hơn 80 thị trường, trong khi năm ngoái là 70 thị trường. Tuy nhiên các chuyên gia dự báo ngành cá ngừ sẽ khó đạt được mục tiêu tỷ USD như trong năm 2022. 

Vasep cho rằng, năm 2024 dự kiến sẽ đầy thách thức với ngành xuất khẩu cá ngừ do sự duy trì cảnh báo thẻ vàng từ Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm, nhưng căng thẳng tại Biển Đỏ dự kiến sẽ làm tăng giá cước vận tải, đặt ra thách thức về giá thành của cá ngừ thành phẩm.  

Lạm phát ổn định và phục hồi kinh tế chậm cũng là những yếu tố khó khăn, khiến cho nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tại nhiều quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Sự cạnh tranh ngày càng tăng và lượng tồn kho của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng là những thách thức đối diện ngành xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. 

Hồng Huyền