Sóc Trăng: Thận trọng cho vụ nuôi tôm mới
Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần tăng cường kiểm tra ao nuôi, do trước đó, biến động môi trường ao nuôi tôm đã gây thiệt hại tôm nuôi ở TX. Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên.
Ông Lâm Văn Mừng - Chủ nhiệm Tổ hợp tác tôm - lúa - màu Huỳnh Công Đê, ở xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên) cho biết: “Để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới, sau khi kết thúc vụ nuôi trước, các thành viên trong tổ đã cải tạo ao, lấy nước… để chuẩn bị cho vụ sau. Trước khi thả thì nuôi nước, sau đó dùng nước cũ để nuôi tôm thẻ; đồng thời, đo độ pH hàng ngày để kịp xử lý. Hiện nay, đã vào mùa mưa, tổ hợp tác sẽ thả tôm hết các ao còn lại và dự kiến trong tháng 6-2017 này là thả xong”.
Tổ hợp tác tôm - lúa - màu Huỳnh Công Đê có 13 thành viên với gần 30ha. Hiện nay, tổ hợp tác mới thả trên 50% diện tích theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh. Ngoài việc chủ động xử lý ao, các thành viên trong tổ quan trắc môi trường bằng việc đo độ pH hàng ngày.
Đồng chí Tăng Thanh Chí - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Để vụ nuôi tôm năm nay thắng lợi, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đặc biệt là cử cán bộ xuống cơ sở nắm bắt tình hình, hỗ trợ người dân để xử lý những tình huống khó khăn gặp phải trong vụ nuôi tôm”.
Không riêng gì Mỹ Xuyên, tình hình thả nuôi tôm trên địa bàn TX. Vĩnh Châu diễn ra khá sôi động. Ông Mai Văn Đấu - Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Toàn Thắng, ở xã Vĩnh Hiệp cho biết: “Từ đầu vụ, chúng tôi đã được ngành chức năng khuyến cáo thả tôm đúng theo lịch thời vụ cũng như khâu chuẩn bị cho vụ nuôi. Nhìn chung, năm nay con nước mặn về trễ, vì thông thường hàng năm, khoảng tháng 11, 12 là độ mặn tăng cao nhưng năm nay đến tháng 3 mới có độ mặn nên không ít hộ thả tôm sớm đã bị thiệt hại”.
Theo Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu, tính đến cuối tháng 5-2017, nông dân trên địa bàn thị xã thả nuôi tôm được gần 5.500ha; trong đó, có 3.410ha thả nuôi ngoài lịch thời vụ và hơn 2.000ha thả trong lịch thời vụ. Nhìn chung, những tháng đầu năm 2017, tình hình cải tạo, thả nuôi tôm tương đối chậm so với cùng kỳ. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, độ mặn thấp không thích hợp cho thả giống, một số hộ có điều kiện, chủ động được nguồn nước mới thả nuôi nhưng chỉ thả thăm dò, số lượng không nhiều và phần lớn là tập trung cho khâu cải tạo ao, chờ cho thời tiết và các yếu tố môi trường ổn định, có mưa độ mặn ổn định mới tiến hành thả lấy nước và thả nuôi.
Đồng chí Nguyễn Minh Chí - Phó trưởng Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu cho biết: “TX. Vĩnh Châu có trên 31% diện tích thả nuôi bị thiệt hại do tình hình điều kiện thời tiết bất thường, môi trường biến động, nhiệt độ giữa ngày và đêm dao động lớn, mật độ vi khuẩn tăng kết hợp với tảo tàn gây ô nhiễm nước ao dễ gây sốc và làm giảm sức đề kháng của tôm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại”.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Chí, khó khăn hiện nay của địa phương là về vấn đề quan trắc môi trường, thông tin thị trường. Bên cạnh đó, giá đầu vào vật tư hàng năm không giảm, gây khó khăn trong việc nuôi của bà con, một số hộ vẫn còn thả nuôi ngoài lịch thời vụ nên thiệt hại nhiều. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp TX. Vĩnh Châu tập trung vận động bà con thả nuôi từ nay đến cuối vụ đảm bảo diện tích đạt chỉ tiêu kế hoạch; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý thức của người nuôi tôm trong việc tuân thủ những quy định về lịch thời vụ thả nuôi… Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra chất lượng con giống, các sản phẩm vật tư, thức ăn, thuốc thú y thủy sản đầu vào; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở các vùng nuôi trên địa bàn thị xã.
Theo số liệu thông kê, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thả nuôi được hơn 14.600ha tôm nước lợ, trong đó tôm thẻ chiếm hơn 68% diện tích. Diện tích thiệt hại tôm trên 1.200ha, chiếm khoảng 8,2% diện tích thả nuôi; trong đó, có khoảng 80% thiệt hại là do yếu tố môi trường.
Theo nhận định của ngành chức năng, hiện nay đã đầu mùa mưa, song chênh lệch nhiệt độ ngày đêm ở tỉnh khá cao (trên 10ºC). Các ao nuôi tôm đối mặt với thời tiết bất thường, với hiện tượng sáng nắng nóng, chiều mưa dầm dẫn đến môi trường ao nuôi biến động lớn, tôm dễ bị sốc, dịch bệnh có cơ hội phát triển và gây thiệt hại tôm nuôi. Việc người dân theo dõi chặt chẽ kết quả quan trắc môi trường, thông tin cảnh báo tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi từ ngành chức năng và tăng cường kiểm tra ao nuôi là rất cần thiết.
Với điều kiện thời tiết như hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân tăng cường quản lý các yếu tố môi trường thật ổn định, giữ màu nước xanh vỏ đậu có độ trong từ 20cm - 30cm, mực nước ao nuôi từ 1,2m - 1,5m; giữ độ pH nằm trong khoảng 7,5 - 8,5; độ kiềm từ 80mg/l trở lên đối với tôm sú và 100mg/l trở lên đối với tôm thẻ; tăng cường chạy quạt để phân tầng nước, giữ hàm lượng ôxy hòa tan trong nước luôn từ 5mg/l trở lên; quản lý các khí độc đặc biệt thường xảy ra trong ao tôm.
Bên cạnh đó, khi thả giống, nên thả cách khoảng 15 đến 20 ngày, những ngày nắng nóng nhiệt độ nước ao trên 30ºC hoặc trời mưa dầm nhiệt độ dưới 25ºC thì nên giảm 30% - 50% lượng thức ăn/cữ và tăng cường sử dụng men vi sinh, men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn.
Bà con cần lưu ý, chất lượng con giống chiếm 50% tỷ lệ thành công của vụ nuôi, vì vậy ngoài việc con giống có nguồn gốc xuất xứ, qua xét nghiệm sạch các mầm bệnh nguy hiểm, khi bắt về phải thuần dưỡng cho quen dần với 4 yếu tố: pH, nhiệt độ, độ mặn và độ kiềm trong bọc giống với nước ao nuôi ít nhất 1 giờ. Đồng thời, rải vôi xung quanh bờ ao trước những cơn mưa để trung hòa phèn và pH; sử dụng giấm ăn để giảm độ pH khi cần thiết và dự trữ nước có độ mặn phù hợp với ao nuôi để thay hoặc châm nước khi cần thiết.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, ở vụ nuôi tôm năm nay, người dân chuẩn bị khá kỹ lưỡng, thận trọng cho vụ nuôi tôm. Đồng chí Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: " Nên thả từ từ và phải xử lý ao lắng phục vụ cho nuôi tôm, diện tích ao lắng càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, bà con nuôi tôm nên dùng vi sinh, cá rô phi, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường và nuôi tôm theo hai giai đoạn để mang lại thành công”.