TIN THỦY SẢN

Sóc Trăng: Tìm vốn cho con tôm

Hiện nay, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang ngày càng được nhân rộng. Ảnh: Tepbac Tích Chu

Với 11 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm đa số thuộc top đầu của cả nước, Sóc Trăng đang hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm xuất khẩu tôm của cả nước. Tuy nhiên, để thực hiện đạt mục tiêu này, một trong những vấn đề quan trọng là làm sao để người nuôi tôm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng một cách dễ dàng và hiệu quả nhất để đầu tư nâng cấp các mô hình nuôi từ ao đất lên ao lót bạt và từ ao lót bạt lên nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao.

Theo đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, sau 20 năm nuôi tôm, hiện phần lớn diện tích nuôi tôm của tỉnh vẫn chưa được nâng cấp, tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ mới nên người nuôi vẫn gặp không ít rủi ro về thời tiết, môi trường, dịch bệnh… Nguyên nhân chủ yếu là do sau thời gian thua lỗ, nhiều hộ dân không còn vốn để đầu tư, không còn tài sản thế chấp ngân hàng để được vay mới.

Trước thực trạng trên, ngày 23-2 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về tín dụng cho nuôi trồng thủy sản, nhằm giúp người nuôi tôm tiếp cận nguồn vốn tín dụng, có thêm điều kiện nâng cấp mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ giúp giảm thiểu rủi ro, gia tăng năng suất, lợi nhuận, tiến tới thực hiện đạt mục tiêu phát triển nghề nuôi hiệu quả và bền vững.

So với các tỉnh trong khu vực, diện tích nuôi tôm nước lợ của Sóc Trăng không cao (khoảng 53.000ha, trong đó, tôm thẻ 40.000ha và tôm sú 13.000ha) nhưng bù lại, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh của tỉnh chiếm đến 93,7% và trong số này hiện có khoảng 4.000ha được chuyển lên nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh năm 2021 đạt hơn 1 tỉ USD. Năng suất tôm nuôi ở Sóc Trăng thuộc hàng khá cao so với bình quân chung trong khu vực, nhưng lại có sự phân hóa khá rõ nét giữa các mô hình nuôi.

Dẫn chứng thêm cho sự phân hóa trên, cụ thể hiệu quả sau khi chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm lót bạt, ông Ngô Công Luận - Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A (huyện Mỹ Xuyên) cho biết, qua thực tế từ 4 thành viên của hợp tác xã từ khi chuyển sang nuôi 18 ao bạt đều có lãi hàng năm khá tốt, còn 20 thành viên nuôi truyền thống với 92 ao đất có năm lãi, năm lỗ, thu nhập thấp hơn rất nhiều so với ao bạt.

Tuy nhiên, cái khó của 20 thành viên hợp tác xã nói riêng và của người nuôi tôm trong tỉnh nói chung là hiện đa số đều thiếu vốn đầu tư và trong số này có không ít người đang có nợ xấu ở ngân hàng nên không thể tìm đâu ra nguồn vốn để chuyển sang nuôi ao bạt. Do đó, hợp tác xã kiến nghị các ngân hàng nên tạo điều kiện cho những hộ còn nợ xấu nhưng có chí làm ăn được vay vốn làm ao bạt, giúp họ giảm được rủi ro, tăng lợi nhuận, có thêm điều kiện trả nợ. Đồng tình với đề xuất trên, đại diện Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho rằng, Nhà nước nên có chủ trương tái cơ cấu lại nợ cho người nuôi gặp rủi ro bất khả kháng; có cơ chế tín dụng riêng cho người nuôi tôm, đó là vay theo dự án nuôi tôm và định lại giá đất theo thị trường để tăng giá trị tài sản thế chấp… nhằm giúp người nuôi tôm có vốn đầu tư nâng cấp mô hình nuôi mới có năng suất cao và ít rủi ro hơn.


Vấn đề mà hầu hết các hộ nuôi tôm gặp phải chính là thiếu vốn đầu tư. Ảnh minh họa Tepbac

Liên quan đến tình hình tín dụng cho nuôi tôm, theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 31-12-2021, tổng dư nợ cho vay nuôi tôm toàn chi nhánh là 1.524,9 tỉ đồng, với 11.190 khách hàng. Tỷ lệ nợ xấu nội, ngoại bảng nuôi tôm là 618,5 triệu đồng, chiếm 40,82% tổng dư nợ cho vay nuôi tôm. Còn theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 31-12-2021, tổng dư nợ cho vay nuôi tôm 1.756,2 tỉ đồng, trong đó, dư nợ của hộ nuôi là 1.687 tỉ đồng và của doanh nghiệp là 69,2 tỉ đồng, trong đó có 2,46% là nợ xấu.

Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu đã chuyển sang theo dõi trên tài khoản ngoại bảng thì tổng nợ xấu của con tôm hiện nay là 639 tỉ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ cho vay nuôi tôm. Do đó, theo kế hoạch, trong năm 2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đầu tư cho nuôi tôm với tổng nguồn vốn ước khoảng 56,5 tỉ đồng. Con số này theo đồng chí Vương Quốc Nam là chưa tương xứng với nghề nuôi tôm của tỉnh.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị các ngân hàng có những giải pháp để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp, hộ nuôi tôm và ngành nông nghiệp cần có giải pháp quy hoạch vùng nuôi, chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, giúp người dân giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất.

Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh và nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu quan tâm nhiều hơn trong việc đầu tư vốn cho những mô hình nuôi tôm có hiệu quả cao như: nuôi tôm 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao, ao lót bạt, tôm - lúa… và bước đầu thu được thành công. Tuy nhiên, hiện việc đầu tư cho nuôi tôm vẫn được các ngân hàng triển khai hết sức thận trọng, dè dặt, chủ yếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cơ sở hạ tầng, trình độ quản lý và tay nghề, nguồn cung cấp đầu vào, phương thức tổ chức sản xuất, vốn đối ứng, tài sản đảm bảo thế chấp… của người nuôi vì lo sợ rủi ro.

Vì vậy, các ngân hàng kiến nghị nên thực hiện cho vay theo chuỗi khép kín gồm: cá nhân/hộ gia đình, doanh nghiệp (bên vay) - đơn vị cung cấp hàng hóa đầu vào, đơn vị bao tiêu sản phẩm (bên cung cấp, tiêu thụ) - ngân hàng (bên cho vay) - chính quyền địa phương (bên giám sát). Đồng thời các ngân hàng cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế tín dụng cho vay tháo gỡ khó khăn cho người nuôi có nợ xấu trước đây chưa trả hết nợ do thua lỗ được cấp thêm tín dụng theo phương án/dự án nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình chuỗi và tín dụng được cấp thêm này không tính vào nợ xấu.

Tích Chu Báo Sóc Trăng