Nuôi 3 giai đoạn có gì hay mà ca tụng?
Tỷ lệ sống cao, tốc độ tăng trưởng cao, năng suất cao, đặc biệt hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp chính là những ưu điểm lớn nhất của nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn mà bà con thường nghe nhắc đến.
Có thể nói nuôi tôm 3 giai đoạn là hình thức nâng cao, sáng tạo từ nuôi 1 và 2 giai đoạn. Nuôi 1 giai đoạn chỉ cần mua và thả trực tiếp con giống xuống ao; nuôi 2 giai đoạn thì con giống được ương một thời gian rồi chuyển qua ao thương phẩm; nuôi tôm 3 giai đoạn tiên tiến hơn, cần có 3 khu vực chính, gồm khu vực xử lý nước đầu vào, khu vực ương nuôi tôm 3 giai đoạn (ao ương 1, ao ương 2 và cuối cùng là ao nuôi đến khi thu hoạch) và khu vực xử lý chất thải.
Việc nuôi 3 giai đoạn mang tính ưu việt hơn so với các phương pháp nuôi truyền thống. Theo nghiên cứu thực tế từ nông hộ, mô hình này kiểm soát được tỷ lệ sống của tôm ngay tại bể dèo (ao ương 1), tiết kiệm chi phí đầu từ từ 20-25%. Ngoài ra, người nuôi cũng có thể xoay vòng vụ nhanh, số vụ nuôi trong năm từ 4-6 vụ, năng suất và sản lượng trên cùng diện tích nuôi cũng nhờ vậy mà tăng lên.
Trong nuôi tôm 3 giai đoạn, việc chuẩn bị ao ương 1, ao ương 2 và ao nuôi thương phẩm là hết sức quan trọng. Ảnh Tepbac
Bên cạnh đó, nuôi tôm 3 giai đoạn còn giúp tiết kiệm nước trong quá trình nuôi, môi trường nước và đáy ao được ổn định, sạch sẽ, giảm thấp nhất tác động bởi môi trường. Cách nuôi này được cho là phương pháp nuôi tiên tiến nhất, đã giải quyết hầu hết các vấn đề mà ao nuôi truyền thống gặp phải, đó là quản lý môi trường ao nuôi, chất thải và khí độc.
Không thể chỉ nuôi tôm 3 giai đoạn, phải là nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn
Nuôi tôm lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng cực kỳ lớn. Mặc dù áp dụng nuôi tôm 3 giai đoạn nhưng nếu muốn có siêu lợi nhuận, đòi hỏi người nuôi cần phải có tay nghề cao, theo dõi sát sao những biến động trong quá trình nuôi dù là nhỏ nhất. Bằng cách áp dụng công nghệ cao vào mô hình này, có thể cải thiện đáng kể công sức cũng như tiền của mà vụ nuôi vẫn thắng lợi.
Ở giai đoạn 1, ao ương thường có diện tích 200 m2, được xây trong nhà để thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý sức khỏe của tôm trong giai đoạn đầu. Trong ao luôn có quạt nước và sục khí dưới đáy ao, những thiết bị này không phải hoạt động 24/24 mà tùy theo nhu cầu tôm giống để điều chỉnh, giờ đây việc bật tắt thiết bị không còn tốn nhiều công sức và thời gian, chỉ cần lắp đặt tủ điều khiển ao nuôi, cài đặt phần mềm trên điện thoại, điều khiển từ xa khi kết nối wifi, người dân có thể dễ dàng bật tắt các thiết bị điện trong ao, từ đó tiết kiệm công sức, nhân công, giảm chi phí về điện,…
Ao nuôi được lắp đặt máy đo môi trường tự động. Ảnh Tepbac
Giai đoạn 2, thời điểm sang ao ương 2, tôm vẫn còn khá nhỏ, sức đề kháng không cao, nhạy cảm với môi trường nước, thời tiết,… dễ bị hao hụt. Sử dụng máy đo môi trường tự động để theo dõi các thông số trong nước như pH, nhiệt độ độ mặn, oxy,… một cách tự động, chính xác và hiệu quả nhất.
Sau 30 ngày nuôi ở giai đoạn 2, tôm được chuyển sang ao nuôi thương phẩm (giai đoạn 3) với diện tích khá lớn (khoảng 1.500 m2), mật độ chỉ bằng ½ so với giai đoạn trước, phù hợp với máy cho ăn tự động, trợ lý ảo ngay trong phần mềm trên điện thoại, giúp người nuôi tính số lượng thức ăn, thông tin thị trường, tình hình sản xuất… đưa ra quyết định có cơ sở hơn.
Ao nuôi giai đoạn 3 có diện tích rộng, môi trường sạch, tôm dễ đạt kích cỡ lớn trong thời gian ngắn. Ảnh Tepbac
Việc kết hợp công nghệ cao vào nuôi tôm 3 giai đoạn giúp tôm đạt tỷ lệ sống trong cả mùa vụ đạt 80%, cao hơn 10-15% so với tỷ lệ sống bình quân khi nuôi thông thường (65-70%). Tiết kiệm được chi phí nhân công, điện nước trong suốt vụ nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng.
Một vụ tôm thắng lợi sẽ mang đến lợi nhuận cao, cần tập trung giải quyết bài toán nâng cao tỷ lệ nuôi thành công. Bà con nên xóa bỏ cách nghĩ học theo người này người kia, những “mẹo” trong nuôi tôm mà hãy chuyển sang nuôi tôm một cách có khoa học.