TIN THỦY SẢN

Sóc Trăng triển khai mô hình nuôi tôm sú và trồng lúa

Cung cấp con giống cho nông dân áp dụng mô hình Tôm sú - lúa. Ngọc Khuê

Sóc Trăng là một trong 4 tỉnh được chọn thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm Sú – Lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long” do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II chủ trì. Theo đó, mỗi tỉnh sẽ thực hiện 3 mô hình điểm, nông dân tham gia được hỗ trợ 100% con giống, 30 % chi phí mua vật tư nông nghiệp và được tiếp cận với kỹ thuật mới để sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, luân canh 1 vụ tôm 1 vụ lúa là mô hình canh tác thông minh và bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nhưng từ năm 2003 đến nay, ngay tại các tỉnh trọng điểm có áp dụng mô hình này như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang thì hiệu quả về năng suất tôm nuôi và lúa đều thấp. Nguyên nhân chính là nông dân tập trung vào con tôm vì cho thu nhập quá cao, vài năm gần đây tôm thẻ chân trắng thay thế dần tôm sú, gây mất cân bằng hệ sinh thái luân canh, dịch bệnh phát sinh, mô hình không đạt hiệu quả kinh tế thậm chí thua lỗ, sinh kế của người dân bị thu hẹp. Tính từ thời điểm chuyển dịch cơ cấu đến nay, nhìn chung mô hình tôm-lúa chỉ cho năng suất tôm trung bình 350 kg/ha và lúa 4 tấn/ha.

Chính vì thế, Sóc Trăng với hơn 10.000 ha tôm lúa được chọn thí điểm mô hình này, ngoài Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Hiện tại, 20ha nuôi tôm ở ấp Công Hòa và ấp Vĩnh A xã Gia Hòa 1, ấp Nhơn Hòa và Bình Hòa xã Gia Hòa 02, huyện Mỹ Xuyên, bà con đã nhận xong tôm giống để bắt đầu vụ nuôi năm 2016. Ông Lê Thanh Lèo – Tổ trưởng THT tôm- lúa -màu ấp Bình Hòa, xã Gia Hòa 2, cho biết: “Cái lợi khi tham gia mô hình này là bà con được hỗ trợ con giống có chất lượng, thực hiện đúng theo quy trình nuôi, kỹ thuật canh tác lúa và chăm sóc tôm sú. Cách sử dụng phân, thuốc và xử lý các dịch bệnh hợp lý đúng kỹ thuật”.

Hộ tham gia mô hình là phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật được chuyển giao. Theo đó, đối với nuôi tôm, quy trình khuyến cáo chỉ thả giống 1 lần/vụ, mật độ 5 – 8 con/m2, tôm sú giống thả trực tiếp vào vuông nuôi hay qua ao ương phải nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến; áp dụng quy trình quản lý phòng bệnh tổng hợp, hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh, hóa chất. Đối với trồng lúa, phải lựa chọn giống lúa cấp xác nhận, gieo sạ tuân thủ lịch thời vụ; áp dụng quy trình quản lý dịch bệnh tổng hợp IPM, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV. Do vậy, các hộ tham gia đều tập huấn kỹ trước khi tiến hành, trong suốt vụ nuôi bà con được tham gia hội thảo nâng cao kỹ thuật, đánh gia mô hình, rút kinh nghiệm, cán bộ khuyến nông địa phương sẽ theo dõi diễn tiến để đảm bảo độ thành công của mô hình. Ông Liễu Nghĩa Tín, Phó Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Quy mô mô của dự án là 20ha, Trạm Khuyến nông huyện cho làm thí điểm ở 2 xã Gia Hòa 1 và Gia Hòa 2, đối tượng thụ hưởng mô hình này trước tiên là ở các THT. Kế hoạch của dự án sẽ thực hiện trong 3 năm, với mật độ thả nuôi 5 con/m2. Mục tiêu của dự án là làm sao mang tín ổn định, bền vững đối với vùng tôm – lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân”.


Thả giống theo mô hình Tôm sú - lúa

Dự án được triển khai trong 3 năm, từ 2016 – 2018, với tổng dự toán kinh phí hơn 8,7 tỉ đồng. Mục tiêu trước mắt là tại các mô hình điểm, năng suất thu hoạch tôm phải đạt trên hoặc bằng 500 kg/ha, tôm loại 30 – 40 con/kg, năng suất lúa đạt trên 5 tấn/ha. Nhưng mục tiêu quan trọng mà dự án phấn đấu đạt được chính là phát triển nuôi tôm bền vững, giảm thiểu tác động dịch bệnh, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích và khôi phục lại sự cân bằng trong hệ sinh thái luân canh vùng tôm – lúa./.

Ngọc Khuê Đài PT-TH Sóc Trăng, 24/06/2016