TIN THỦY SẢN

Sóc Trăng: Vụ nuôi tôm năm 2017 thắng lợi

Vụ nuôi tôm năm 2017 tiếp tục thắng lợi. Tuyết Xuân

Tính đến nay, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 53.000ha tôm, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch và đã thu hoạch được hơn 30.400ha, với sản lượng đạt hơn 95.800 tấn. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu luôn ở mức cao nên người nuôi tôm năm nay tiếp tục thu lãi cao.

Người nuôi tôm có lãi…

Ông Ngô Thanh Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Hòa Nghĩa, ở xã Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu) cho biết: “HTX có 19 thành viên, với khoảng 66,5ha nuôi tôm. Trong vụ nuôi năm nay, chỉ có 3 hộ bị thiệt hại với khoảng 3ha, còn các thành viên khác đều có lãi. Theo đó, tổng thu 9 tháng qua của HTX được hơn 23 tỉ đồng, với hơn 150 tấn tôm được bán ra”.

Còn theo ông Tăng Văn Xúa - thành viên của HTX Thủy sản Hòa Nghĩa, vụ nuôi năm nay hơi cực hơn năm rồi nhưng thành công cao. Đặc biệt, đối với những ao nuôi áp dụng theo mô hình lót bạt thì có hiệu quả cao hơn. Do vậy, nếu các thành viên trong HTX muốn áp dụng theo mô hình này, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên và sẽ tạo điều kiện đầu tư vốn, nếu bà con có nhu cầu.

Là một trong những hộ nuôi tôm lâu năm ở địa phương, ông Xúa chia sẻ: “Có thể nói, vụ nuôi tôm năm nay có năng suất và giá bán rất khả quan. Để thuận lợi cho vụ nuôi tôm trong những năm tiếp theo, trước hết chính quyền địa phương cần sửa chữa đường giao thông, có điện 3 pha và con giống phải được đảm bảo chất lượng. Đây cũng là điều kiện góp phần cho vụ tôm được thành công”. Ý kiến đề xuất này của ông Xúa cũng là điều mong mỏi từ nhiều năm nay của bà con nuôi tôm ở xã Hòa Đông cũng như của người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh nói chung.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, TX. Vĩnh Châu, là vùng có tỷ lệ thiệt hại cao hơn so với các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh, qua khảo sát thực tế tại địa phương, đa số người nuôi tôm ở Vĩnh Châu đều thu được lợi nhuận cao. Như HTX Thủy sản Toàn Thắng ở xã Vĩnh Hiệp, năm nay có 33,8ha nuôi tôm, trong đó, có 3,5ha tôm sú và đã thu hoạch, ước năng suất bình quân đạt 2,5 tấn/ha; diện tích còn lại nuôi tôm thẻ chân trắng, bị thiệt hại khoảng 3,3ha, năng suất đạt 4 tấn/ha. Theo đó, tổng sản lượng tôm nuôi của HTX đạt gần 121 tấn, với doanh thu gần 14 tỉ đồng và lợi nhuận được gần 7 tỉ đồng.

Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Đến thời điểm này, có thể đánh giá vụ nuôi tôm nước lợ năm 2017 khá thành công, diện tích thả nuôi vượt so với kế hoạch, tỷ lệ thiệt hại chỉ khoảng 16%, sản lượng thu hoạch đã đạt 90% kế hoạch và hiện nay còn hơn 14.200ha tôm đang phát triển trên đồng. Nếu tình hình tiếp tục thuận lợi thì ước đến cuối vụ sản lượng thu hoạch có thể vượt 10% - 20%”. Theo đó, ngành đã tập trung tuyên truyền và khuyến cáo người nuôi tuân thủ theo lịch thời vụ, đối với các diện tích đã thu hoạch thì người nuôi nên ngưng thả giống để chuẩn bị tốt cho vụ sau; còn đối với diện tích chưa thu hoạch thì cần áp dụng mọi giải pháp duy trì và phát triển đàn tôm này, để tiếp tục có được vụ mùa bội thu.

… cùng những giải pháp triển khai phù hợp

Theo nhận xét của cơ quan chuyên môn, mùa vụ thả nuôi tôm của bà con năm nay chậm hơn và kết thúc sớm hơn so với dự kiến, do ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên, nhưng đa số bà con thả nuôi mật độ thưa, áp dụng mô hình nuôi với diện tích ao nhỏ và tuân thủ các khuyến cáo của ngành chức năng.

Ông Mai Văn Đấu - Giám đốc HTX Thủy sản Toàn Thắng ở xã Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu) cho biết: “Năm nay, bà con nuôi tôm ở đây đều có ý thức thực hiện theo khuyến cáo lịch thời vụ nuôi tôm của tỉnh là đến đầu tháng 10-2017 ngưng thả. Cho đến thời điểm này, không có hộ nào thả nuôi lại, nếu có thả thì cũng đợi đến khi dứt mưa hoặc đến khoảng giữa tháng 11 tới, đối với một số hộ nuôi có diện tích đất nhiều họ sẽ thả nuôi tiếp nếu như nước nuôi tôm cũ còn độ mặn khoảng 2‰ - 3‰”.

Theo thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, để được thành công cho vụ nuôi năm nay thì có nhiều yếu tố, như lịch thời vụ tương đối phù hợp và thực hiện đồng thời các giải pháp mà ngành đã triển khai, cụ thể như: nuôi nước trước nuôi tôm; nhân rộng các mô hình hiệu quả mà có cải tiến từ vụ nuôi trước, trong đó có mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi ghép cá rô phi với tôm và mô hình ứng dụng vi sinh/chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, trong năm 2017, có những tiến bộ hơn đó là áp dụng các mô hình lắp đặt thiết bị quan trắc tự động trong ao nuôi để có những xử lý kịp thời; áp dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U, sử dụng gối đỡ con lăn kết hợp chỉnh đồng trục dàn quạt có khả năng tiết kiệm từ 25% - 30% lượng điện năng so với sử dụng hệ thống dàn quạt không đồng trục với gối đỡ chữ U, đây cũng là một giải pháp hữu hiệu được người dân nuôi tôm đánh giá rất cao.

Cũng theo thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, xác định bối cảnh sản xuất hiện nay, trong thời gian tới thì vấn đề tập trung chỉ đạo xây dựng các tổ hợp tác, HTX là một trong những vấn đề then chốt. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết đầu vào và đầu ra cũng là nhiệm vụ của nghề nuôi tôm, nhằm góp phần thúc đẩy cho nghề nuôi tôm phát triển ổn định. Đồng thời, ngành tiếp tục thực hiện những giải pháp sau: đánh giá mô hình hiệu quả trong năm 2017, để chọn lọc và bố trí cho mùa vụ năm 2018; làm tốt công tác quan trắc và cảnh báo môi trường cũng như thông tin diễn biến dịch bệnh, để có thể đưa ra lịch thời vụ phù hợp. Từ đó, tuyên truyền rộng rãi cho người nuôi nắm được thời điểm nào thuận lợi, khó khăn để họ có thể chủ động hơn trong sản xuất và bố trí mùa vụ của mình.

Trên tinh thần đối mặt với dịch bệnh và biến đổi khí hậu, chủ trương lớn nhất là vẫn phải thực hiện theo 5 phương châm của ngành, gồm: nuôi nước trước nuôi tôm; tuyên truyền và xây dựng mô hình nuôi hiệu quả; ổn định diện tích nuôi; củng cố và nâng chất hoạt động của các tổ hợp tác, HTX, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh và thúc đẩy phát triển trang trại với hình thức nuôi thâm canh và ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục xây dựng, củng cố và tạo thêm mối liên kết chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong chuỗi giá trị tôm. Mặt khác, ngành cũng sẽ tham mưu tốt cho UBND tỉnh trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi và điện sản xuất và phối hợp, lồng ghép với các nguồn xã hội hóa khác để đáp ứng với sự phát triển của nghề nuôi tôm trong bối cảnh hiện nay.

Tuyết Xuân Báo Sóc Trăng