Sớm bổ sung quy hoạch vùng nuôi cá lóc ở Trà Cú
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, vụ nuôi cá lóc năm 2015 - 2016, dự kiến đạt 150ha. Tập trung chủ yếu là xã Định An, thị trấn Định An và một phần của xã Đại An. Đến thời điểm cuối tháng 02/2016, toàn huyện đã có 362 hộ thả nuôi, với diện tích 52ha, với khoảng 22 triệu con giống. Theo đó, có 216 hộ thu hoạch, diện tích 27ha, sản lượng 3.328 tấn. Giá thời điểm hiện nay từ 36.000 - 37.000 đồng/kg, với giá này, nông dân có lợi nhuận hơn 10.000 đồng/kg.
Những năm gần đây, phong trào nuôi cá lóc thương phẩm trong tỉnh phát triển khá nhanh, nhất là ở huyện Trà Cú. Trong đó, vùng nuôi trọng điểm cá lóc thương phẩm ven Sông Hậu tập trung tại xã Định An, thị trấn Định An, những năm gần đây, xã Đại An cũng phát triển theo. Do hiệu quả kinh tế từ nuôi cá lóc thương phẩm thường ổn định, việc tiêu thụ sản lượng cá nuôi cũng có nhiều thuận lợi, nên có một số vùng nuôi tôm, trồng mía, sản xuất lúa… kém hiệu quả, nông dân chuyển sang nuôi cá lóc. Do vậy, vấn đề cung vượt cầu ở một số thời điểm làm cho giá sụt giảm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đặc biệt, một số vùng đã “phá vỡ” quy hoạch… Đây là yếu tố làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái.
Theo ông Trần Minh Dũng, Chủ tịch UBND xã Đại An, mặc dù Đại An không thuộc diện quy hoạch nuôi cá lóc, nhưng hiện nay toàn xã có 34 hộ nuôi với diện tích hơn 34ha. Phong trào nuôi cá lóc thương phẩm ở Đại An đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây, đã giúp cho nhiều nông dân cải thiện được kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, thực tế này cũng có sự tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất của nông dân ở một số khu vực, nhất là khi thời tiết có sự biến động, nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng làm thiếu nguồn nước ngọt. Từ đó, một số bệnh như xuất huyết toàn thân, bệnh ghẻ, trắng da... trên cá nuôi, làm thiệt hại khá lớn cho người nuôi cá, nhất là những hộ mới vào nghề nuôi, chưa có kinh nghiệm.
Ông Lê Minh Dũng cho biết thêm, vụ nuôi năm 2015 ở xã Đại An được xem là thắng lợi, toàn xã có trên 90% hộ nuôi có lợi nhuận. Nguyên nhân là đại đa số hộ nuôi được tập huấn và tự học tập kinh nghiệm trong quy trình nuôi; cán bộ chuyên môn của những nhà cung cấp vật tư phục vụ nuôi bám sát hỗ trợ, tư vấn, tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, lớp tập huấn, tọa đàm trao đổi kỹ thuật với người nuôi, nhất là chuyển giao kỹ thuật sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá nuôi, nhằm làm giảm bớt mức độ ô nhiễm môi trường, nguồn nước từ việc sử dụng thức ăn tươi sống, cũng như giảm bớt chi phí đầu tư. Nhờ vậy, hiện nay nghề nuôi cá lóc thương phẩm ở Đại An đã vượt qua những trở ngại bước đầu và đã đạt được hiệu quả trong sản xuất nên kết quả khả quan. Để giảm bớt tỷ lệ hao hụt đối với cá giống, nông dân chọn con giống tốt và kích cỡ lớn, mua những nơi có uy tín; Hộ nuôi có lợi nhuận cao nhiều nhất ở các ấp như Mé Rạch B, Mé Rạch E và Giồng Đình. Hiện nay, đối với vùng đất Đại An, nông dân thả nuôi thích hợp nhất là 40 con/m2. Đối với ao, thiết kế phù hợp hiện nay là 1.500m2 trở lên, độ sâu bình quân 1,8m, sẽ thả từ 40.000 - 50.000 con giống/ao; giá cá giống hiện nay bình quân từ 450 - 480 đồng/con giống. Để nuôi đạt trọng lượng bán phù hợp (0,8kg/con) phải mất thời gian khoảng 05 tháng...
Để phát triển nghề nuôi cá lóc thương phẩm ở Đại An nói riêng, huyện Trà Cú nói chung, qua trao đổi với nhiều nông dân, chúng tôi ghi nhận được ý kiến chung nhất: Mong ngành chuyên môn sớm quy hoạch lại vùng nuôi cụ thể. Vì một số vùng nông dân đã nuôi, nhưng chưa được quy hoạch.
Có thể khẳng định rằng, nghề nuôi cá lóc ở Trà Vinh đã từng bước tạo thương hiệu trên thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra các nước lận lận trong khu vực. Bởi cá lóc được nuôi ở khu vực nước lợ như ở huyện Trà Cú có phẩm chất thịt săn chắc, ít mỡ hơn so với cá nuôi ở vùng hoàn toàn nước ngọt, nên đã được thị trường tiêu thụ ưa chuộng. Do đó, để duy trì và phát triển nghề nuôi cá lóc thương phẩm ổn định và bền vững, người nuôi cá cần tuân thủ các yếu tố cần thiết trong kỹ thuật nuôi, nhất là yếu tố con giống, môi trường. Riêng cơ quan chuyên môn, nên sớm bổ sung và công bố quy hoạch.