Sông Cà Mau thoi thóp
20 dòng sông lớn, nhỏ chảy qua TP Cà Mau đang “oằn mình” gánh từ chất thải sinh hoạt đến chất thải công nghiệp
Con kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu chạy dọc theo Quốc lộ 1 từ cửa ngõ TP Cà Mau vào nội ô chỉ khoảng 5 km nhưng phải hứng lấy chất thải của hơn 10 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản cùng hàng loạt cơ sở kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng, sửa chữa tàu thuyền, cơ khí...
Đua nhau xả thải
Điều dễ nhìn thấy trên mặt nước đen ngòm của khúc sông này là váng xăng dầu, bọt trắng của chất tẩy công nghiệp... Ông Trần Văn Huấn, một người dân sống ven sông, kể mười mấy năm trước, đoạn sông này có nhiều tôm cá, người dân hai bên bờ tha hồ đánh bắt. Những năm gần đây, sông ô nhiễm nặng, cá tôm không còn và chẳng ai dám lội xuống vì nước rất độc, chỉ cần thò tay xuống thì lát sau sẽ nổi đầy mụn ngứa.
Nhiều người dân sống hai bên bờ sông cũng rất bức xúc trước tình trạng các doanh nghiệp, nhà máy chế biến hàng thủy sản và đầu vỏ tôm thường xuyên lén lút xả chất thải xuống lòng sông vào những lúc trời mưa hoặc đêm tối để tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Sông Gành Hào, đoạn đi qua KCN Chế biến thủy hải sản xuất khẩu, phường 8, TP Cà Mau, nước tuyền một màu đen. Ông Trương Văn Khá, ngụ khu vực này, nói: “Nhiều lúc nước đen như mực, không con gì sống nổi. Có bữa túng quá, tôi ôm lú ra sông đặt. Sáng ra giở thử, 8 cái lú mà chỉ bắt được 3 con cá sặt nhỏ xíu”.
Vi phạm quá nửa!
Hiện tại, TP Cà Mau đang tồn tại nhiều cơ sở chế biến thủy sản trong nội ô, đi đôi với điều đó là tình trạng nước thải sản xuất không qua xử lý cũng được tuôn thẳng xuống những dòng sông khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Mặc dù đa số các công ty đều có hệ thống xử lý nước thải nhưng khi có đoàn kiểm tra thì mới cho hoạt động, đoàn kiểm tra đi thì công ty lại thải ra sông để tiết kiệm chi phí sản xuất.
“Các nhà máy này do tỉnh quản lý nên khi tiến hành kiểm tra phải thành lập đoàn, trong đó có Sở Tài nguyên - Môi trường và nhiều ngành phối hợp. Những đợt kiểm tra đều phải thông báo cho doanh nghiệp, cơ sở đó hay trước nên việc tìm ra vi phạm rất khó” - ông Trần Kiều Danh, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Cà Mau, cho biết.
Số liệu từ Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Cà Mau cho thấy trong năm 2012 đã tổ chức kiểm tra 112 cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP thì có 69 cơ sở vi phạm về vấn đề môi trường. Phòng đã tiến hành phạt hành chính 14 cơ sở, số còn lại lập biên bản và nhắc nhở. Theo ông Danh, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn chưa tuân thủ đúng theo đề án bảo vệ môi trường đã được xây dựng trước đây.
Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của ngành là mặc dù đã có Nghị định 117 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường nhưng mức phạt quá cao (từ 15 - 25 triệu đồng) khiến nhiều cơ sở khó bề đóng. Trong khi đó, nghị định này cũng nêu một cách chung chung rằng nếu cơ sở không chấp hành việc xử lý vi phạm thì cưỡng chế. Tuy nhiên, cưỡng chế như thế nào thì không hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn trong vấn đề xử lý vi phạm.
Cả chục tấn rác đổ xuống sông mỗi ngày Theo thống kê của Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Cà Mau, khu trung tâm TP có khoảng 2.000 hộ dân cất nhà ven sông, rạch, mỗi ngày vứt xuống 3 - 5 tấn rác các loại. Bên cạnh đó là gần 150.000 phương tiện thủy đang hoạt động trên sông, mỗi ngày thải xuống 5- 6 tấn rác cùng khối lượng xăng dầu chảy ra sông rất lớn. Rác thải trôi nổi trên sông quá nhiều, làm cho các phương tiện đường thủy khi lưu thông gặp rất nhiều khó khăn. Công ty Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau đã cho đội tàu túc trực 24/24 giờ để vớt rác trên sông. Mỗi ngày có gần 10 tấn rác được vớt và đưa đi xử lý. Tuy nhiên, chỉ xử lý được bề nổi, còn vô số chất thải trầm tích dưới đáy sông, hòa trong nguồn nước thì đành… chịu! |