TIN THỦY SẢN

Sử dụng đạm rong bún trong ương cá nâu giống

Rong bún được xem là một đối tượng tiềm năng bởi giá thành của chúng khá rẻ Hồng Huyền

Đạm bột rong bún một lựa chọn có thể thay thế đạm bột cá trong chế biến thức ăn để ương cá nâu giống. Tỷ lệ sống của cá nâu giống không bị ảnh hưởng mà còn nâng cao được tốc độ tăng trưởng và hiệu suất thức ăn lên so với protein bột cá. Giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong quá trình sản suất thức ăn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của thức ăn thủy sản.

Cá nâu (Scatophagus argus) là loài cá ăn tạp thiên về thực vật, thành phần thức ăn trong dạ dày của cá gồm mùn bả hữu cơ, động vật nguyên sinh, rong, tảo,...cá có chất thịt thơm ngon giá trị kinh tế cao. 

Hiện nay trên thị trường còn được sử dụng nuôi làm cảnh. Trong thời gian qua nhu cầu cá nâu giống bị khan hiếm do nguồn giống dựa vào đánh bắt tự nhiên hoặc chỉ sản xuất giống ở quy mô nhỏ và một phần là do chi phí thức ăn thủy sản tăng cao.

Trong nuôi trồng thủy sản hiện nay chi phí thức ăn là một nổi lo toan của các hộ nuôi trồng thủy sản bởi chi phí này chiếm tỷ lệ rất cao, hơn 50% tổng chi phí nuôi các đối tượng thủy sản. 

Nhất là protein vì đây là thành phần quan trọng và khá đắt đỏ. Bột cá là một nguồn cung cấp protein và các dưỡng chất cần thiết cho tôm cá nhưng hiện nay loại bột này càng ngày giá càng cao mà chất lượng thì không được ổn định. Nhiều nhà sản xuất thức ăn đang tìm kiếm những giải pháp để thay thế trong đó có đạm thực vật từ rong bún. 

Rong bún (Enteromorpha intestinalis) được xem là một đối tượng tiềm năng bởi giá thành của chúng khá rẻ là nguyên liệu có sẳn ở nhiều địa phương. Mang trong mình nhiều giá trị dinh dưỡng cao, giàu axit amin, vitamin và một vài khoáng chất cần thiết cho cá tôm giống. Dễ sử dụng có thể dùng ở nhiều dạng tươi hay khô hoặc cũng có thể cho ăn hoàn toàn hay một phần trong khẩu phần ăn của tôm cá giống. Từ đó, giảm chi phí sản xuất tăng lợi nhuận cho nhà sản xuất thức ăn và con giống trong nuôi trồng thủy sản.

Cá nâu là loài cá ăn tạp thiên về thực vật

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ đã tiến hành đánh giá mức độ thay thế đạm từ rong bún với đạm bột cá. Cụ thể cá nâu ăn thức ăn có mức đạm bột cá được thay thế bằng đạm bột rong bún với mức tăng dần là 10%, 20%, 30%, 40% và 50%. Rong bún được thu hoạch rửa sạch, phơi khô, nghiền thành bột sau đó trộn chung với cám gạo, bột đậu nàng, bột cá, mì lát,...cá được cho ăn ngày 2 lần vào 7:00’ và 17:00’ sau 1,5 giờ cho ăn, thức ăn thừa sẽ được thu lại để tính được lượng thức ăn mà cá đã tiêu thụ. Cá nâu được theo dõi tăng trưởng và tỷ lệ sống trong 2 tháng. 

Kết quả thu được tỷ lệ sống của cá nâu không bị ảnh hưởng bởi việc thay thế 50% đạm bột cá bằng đạm rong bún trong khẩu phần ăn cho cá nâu giống. Tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá nâu khi hàm lượng protein rong bún thay thế protein bột cá lên đến 40% trong khẩu phần ăn (tương ứng 28% rong bún trong thức ăn), không có sự khác biệt thống kê so với thức ăn đối chứng. Thành phần sinh hóa của thịt cá nâu gồm hàm lượng nước, protein, cancium và phospho không bị ảnh hưởng bởi hàm lượng đạm rong bún thay thể đạm bột cá trong thức ăn. Hàm lượng lipid của cá nâu có xu hướng giảm theo sự tăng hàm lượng đạm rong bún trong thức ăn. Kết quả này cho thấy đạm bột rong bún có thể thay thế đến 40% đạm bột cá trong chếbiến thức ăn để ương cá nâu giống.

Như vậy, hướng đi sử dụng đạm rong bún đã mở ra nhiều lựa chọn thay thế cho đạm bột cá đem lại lợi nhuận cao cho nhà sản xuất thức ăn thủy sản. Làm cho giá thành thức ăn cá tôm được giảm xuống phần nào giúp người nuôi trồng thủy sản có được thu nhập ổn định và bền vững hơn. Mở ra nhiều sự lựa chọn, cũng như sử dụng một số đạm thực vật mới trong thời gian tới.

Hồng Huyền