Sử dụng hiệu quả thuốc hóa chất trong nuôi tôm cá
Để sử dụng đúng thuốc hóa chất cần hiểu rõ về đặc tính, công dụng và cách dùng các loại hóa chất. Bài viết cung cấp phương pháp sử dụng hóa chất và những lưu ý cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm chi phí cho người nuôi.
Những phương pháp sử dụng hóa chất
Hiện nay có 4 phương pháp được áp dụng phổ biến trong nuôi thủy sản, cụ thể:
Tắm: Ở phương pháp này, thuốc được dùng với nồng độ tương đối cao tắm cho động vật thủy sản theo thời gian quy định (tương ứng với nồng độ thuốc cho phép), phương pháp này chỉ áp dụng trong trại giống hoặc môi trường nuôi có diện tích nhỏ.
Ngâm: Khác với phương pháp tắm, khi ngâm sẽ dùng thuốc với nồng độ thấp và thời gian kéo dài, thường áp dụng cho các ao đầm nuôi với diện tích lớn. Để giảm lượng hóa chất sử dụng cần hạ thấp mực nước trong ao đầm nuôi, đồng thời cũng cần chuẩn bị một lượng nước sạch để chủ động cấp vào ao nuôi phòng khi có sự cố xảy ra.
Cho ăn: Là cách dùng thuốc hoặc chế phẩm trộn vào thức ăn. Phương pháp này thường kém hiệu quả đối với một số bệnh vì khi tôm/cá bị bệnh dẫn đến chúng sẽ ăn ít hoặc bệnh năng hơn sẽ bỏ ăn do đó người nuôi cần kịp thời theo dõi tình trạng sức khỏe cá/tôm để điều trị nhanh nhất có thể. Ngoài ra khi sử dụng phương pháp này cần bổ sung thêm dầu gan mực, dầu thực vật bọc bên ngoài viên thức ăn để hạn chế thuốc, hóa chất bị thất thoát vào môi trường nước nuôi.
Phương pháp tiêm: Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào cơ thể động vật thủy sản (chỉ áp dụng cho động vật quý hiếm hoặc đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao).
Yếu tố ảnh hưởng hiệu quả sử dụng thuốc, hóa chất nuôi trồng thủy sản
Đối tượng nuôi: Cùng một loại thuốc nhưng loài này có thể nhạy cảm hơn loài khác. Giai đoạn tôm/ cá con và tôm/cá bố mẹ, khi sử dụng thuốc cần liều thấp hơn đối với giai đoạn trưởng thành. Bởi lúc còn bé, thủy sản có khối lượng nhỏ hơn khi trưởng thành, khi đó các cơ quan chưa phát triển hoàn chỉnh nên quá trình trao đổi chất và sự chuyển hóa cũng khác hơn, khả năng miễn dịch khác nhau.
Tình trạng cơ thể: Khi cơ thể khỏe mạnh hiệu quả sử dụng thuốc sẽ cao hơn khi cơ thể tôm yếu do đó tôm/cá bệnh càng nặng thì sẽ khó điều trị hơn tôm mới chớm bệnh.
Tính chất của thuốc: Thuốc hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản thường có 3 dạng chính: dạng viên,dạng bột và dạng nước. Hàm lượng và khả năng hòa tan của mỗi dạng này cũng khác nhau. Do đó để sử dụng hiệu quả và tính toán chính xác liều lượng cần hiểu rõ về tính tan của thuốc và hàm lượng hoạt chất chứa trong thuốc. Ví dụ yucca bột thường có hàm lượng thấp hơn yucca nước.
Phương pháp dùng thuốc: mỗi bệnh có một phương pháp và cách thức để điều trị riêng. Những phương pháp này nếu lựa chọn không đúng sẽ dẫn đến lãng phí thuốc và không tri được bệnh.
Thời gian và nhiệt độ: Có ảnh hưởng và tác động nhiều đến phương pháp tắm hoặc ngâm. Thời gian và nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thuốc. Ví dụ: BCK sử dụng hiệu quả hơn khi trời nắng và nhiệt độ cao.
Môi trường nước nuôi: Cá/tôm bị bệnh sống trong điều kiện thích hợp cũng góp phần giảm stress qua đó phát huy tốt tác động của thuốc. Mặt khác nhiều loại thuốc hóa chất cũng có hiệu quả kém trong môi trường có nhiều chất hữu cơ như: TCCA, formal, iodine.... . Để sử dụng hiệu quả những loại diệt khuẩn này cần sử dụng thuốc trợ lắng trước hoặc xi phong đáy ao hạn chế chất hữu cơ trong ao. Nhiệt độ, pH, độ kiềm, độ cứng, ôxy hòa tan cũng ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Bảo quản thuốc: thuốc và hóa chất có những đặc tính hóa lý riêng, để tránh làm giảm tác dụng thuốc/hóa chất cần bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, không được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và đậy nắp sau khi sử dụng.
Lưu ý sử dụng thuốc hóa chất hiệu quả
Để sử dụng hiệu quả thuốc hóa chất trong phòng trị bệnh cho tôm cá cần áp dụng phương pháp“5 đúng” khi sử dụng thuốc, hóa chất phòng trị bệnh tôm:
1. Chuẩn đoán đúng bệnh và tình trạng nước ao cần sử dụng thuốc hóa chất: Dựa vào kết quả kiểm tra tại phòng xét nghiệm hoặc từ kinh nghiệm nuôi của cán bộ kỹ thuật, người nuôi tôm phải có được kết luận cuối cùng là “tôm đang bị bệnh gì”, “mắc bao nhiêu bệnh cùng lúc”, “tác nhân gây bệnh là gì”, “ưu tiên trị bệnh nào trước hay trị kết hợp”, “tỷ lệ nhiễm bệnh là bao nhiêu phần trăm”, “tình trạng sức khỏe tổng thể của tôm trong ao như thế nào: mạnh hay yếu”... Khi đã có được các kết quả cơ bản trên, người nuôi có thể yên tâm là đã chẩn đoán được bệnh.
2. Dùng đúng thuốc: Xác định được chính xác mầm bệnh và nguyên nhân thì sẽ biết được phương pháp sử dụng thuốc và loại thuốc cần sử dụng. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Dùng đúng liều, đúng phương pháp. Đối với hóa chất xử lý môi trường, trước khi dùng, phải biết thời gian hóa chất hết tác dụng và khi sử dụng kết hợp các loại thuốc hóa chất cần hiểu rõ về nó. Một lưu ý quan trọng là khi sử dụng Chlorine không được sử dụng các hóa chất diệt khuẩn khác như: BKC, formaline... Khi xử lý hóa chất khử trùng nước cho ao nuôi sẽ làm chết tảo và các vi sinh vật có lợi trong ao. Vì vậy, sau khi khử trùng cần tiến hành cải thiện chất lượng nước ao bằng cách cấp thêm nước mới hoặc cấy men vi sinh có lợi cho ao nuôi.
3. Sử dụng đúng liều: Khi lựa chọn đúng thuốc phải hiểu rõ về hàm lượng để tính toán chính xác liều dùng.
4. Sử dụng đúng lúc: tùy từng loại thuốc hóa chất và phương pháp sử dụng mà lựa chọn thời điểm sử dụng. Ví dụ: Trong điều trị bệnh đóng rong, buổi sáng nắng tốt là thời điểm thích hợp nhất, vì Zoothamnium sp tăng sinh cao nhất vào buổi sáng cũng là thời điểm dễ tiêu diệt chúng nhất, tôm nuôi khỏe nhất, môi trường nước ổn định nhất, BKC phát huy tác dụng cao nhất… Vì vậy, trong điều trị bệnh đóng rong ta luôn thực hiện vào buổi sáng nắng tốt.
5. Năm là sử dụng đúng cách: Là phương pháp, cách thức đưa thuốc đến vị trí cần điều trị, thuốc phải đánh trúng nơi khởi phát bệnh (phải đánh ngay tận gốc), thuốc và hóa chất phải được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ví dụ: Khi muốn đưa men vi sinh vào đường ruột tôm thì phải trộn vào thức ăn cho tôm ăn, không đánh ra môi trường nước vì vi sinh mà người nuôi đã đưa xuống ao có thể không vào được ruột tôm.