Tác động của công nghệ đến nuôi trồng thủy sản
Trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, khoa học - công nghệ (KHCN) đóng vai trò vô cùng quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành công nghiệp cá tra. Nhờ đưa KHCN vào sản xuất, sản phẩm của ngành hàng này đã tăng được chất lượng, năng suất; hạ giá thành để cạnh tranh.
Tăng năng suất, chất lượng
Nhìn lại lịch sử phát triển của nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, nhiều ngư dân, doanh nghiệp cho rằng, ngành công nghiệp cá tra của Việt Nam có được thành tựu như hôm nay, ngoài cơ chế chính sách do nhà nước kiến tạo, ngành hàng này còn chịu sự tác động rất lớn của KHCN. Chính việc đưa KHCN vào sản xuất, trên diện tích 1ha mặt nước, ngày nay ngư dân có thể nâng sản lượng cá trong ao nuôi bình quân từ 600 - 700 tấn/ha/vụ lên 1.000 - 1.200 tấn/ha/vụ; cá biệt, khi ngư dân sử dụng 2 phát minh mang tính “bước ngoặt” của Nhật Bản là công nghệ máy sục khí nano và công nghệ Nano Bioreactor (Bakture) vào trong ao nuôi cá tra thì sản lượng có thể tăng lên gấp nhiều lần và chất lượng tăng lên một cách tương đồng; điều đó đồng nghĩa với việc hạ thấp chi phí sản xuất để sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. “Năng suất, chất lượng là 2 yếu tố quan trọng hàng đầu để sản phẩm cá tra fillet Việt Nam bán vào thị trường các quốc gia phát triển. Để đạt được điều đó, không có con đường nào khác và hay hơn là phải áp dụng KHCN vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đạt mức tuyệt đối, góp phần đưa lợi nhuận sau mỗi vụ nuôi cao hơn…” - ông Trần Văn Bình (ngư dân xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) phân tích.
Chia sẻ thêm về tầm quan trọng của KHCN trong ngành hàng cá tra, ông Bình cho biết, cách đây 20 năm, ngư dân nuôi cá tra trong tỉnh chưa nghĩ đến việc phải thay nước hàng ngày để thịt cá trắng, thơm. Nay, nhờ áp dụng KHCN vào sản xuất, tập quán chăn nuôi cũ được thay đổi. Cụ thể, đối với hộ nuôi cá tra xuất khẩu hiện nay, ngoài việc phải thay nước từ 25 - 30% lượng nước trong ao nuôi hàng ngày, ngư dân đã từ bỏ việc nấu tấm, cám trộn chung với rau muống, khoai lang cho cá ăn. Thay vào đó, ngư dân đầu tư mua thức ăn thủy sản viên nổi cho cá ăn. Việc này giúp cá có đầy đủ dinh dưỡng, phát triển nhanh hơn, đạt trong lượng xuất khẩu (từ 800gr - 1 kg/con) trong thời gian 6 tháng nuôi. Cho cá ăn bằng thức ăn viên, ngoài năng suất, chất lượng tăng, thịt cá giàu axit amin, độ thơm ngon nhiều hơn, làm cho người tiêu dùng ở các quốc gia trên thế giới khó quên được cá tra khi đã ăn.
Hạ giá thành
“Trước đây, giá thành nuôi 1kg cá tra rất cao, thời gian nuôi dài mà chất lượng lại kém. Nhờ áp dụng KHCN vào quá trình nuôi, ngư dân đã hạ được giá thành sản xuất. Cụ thể, giá thành trong năm 2018 (mặc dù giá con giống cao ở mức kỷ lục) chỉ dừng lại ở 23.000 - 24.000 đồng/kg, trong khi giá bán ra có thời điểm lên đến 36.000 đồng/kg, nhờ đó ngư dân có lãi nhiều…” - bà Nguyễn Thị Lành (ngư dân nuôi cá xã Long Giang, Chợ Mới) phân tích.
Gia đình bà Lành nuôi 5ha cá tra, vụ nuôi 6 tháng cuối năm 2018, bà bán được 3.500 tấn với giá 34.500 đồng/kg. Trúng đậm cá tra, bà Lành đã thuê thêm hầm để tiếp tục thả nuôi. “Mới đây, tôi nghe các chuyên gia Nhật Bản đề cập đến 2 phát minh mang tính “bước ngoặt” của Nhật Bản, giúp ngành thủy sản thế giới xử lý môi trường nước trong ao, sông hồ nuôi cá, tôi mừng lắm và đang tìm hiểu để áp dụng. Nếu nuôi cá tra mà không phải thay nước còn gì bằng, bởi lúc này, người nuôi không phải tốn tiền điện, nhân công để thay nước, không tốn tiền hóa chất để xử lý môi trường trong ao nuôi, từ đó sẽ tiết giảm được chi phí thì quá tuyệt vời…” - bà Lành phân tích.
Hai công nghệ mà bà Lành đề cập đang được triển khai tại Khu nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Nam Việt. Thành công này mở ra cơ hội mới cho ngành cá tra Việt Nam nói riêng, thủy sản nói chung, bởi từ đây, sản phẩm thủy sản được ứng dụng 2 công nghệ này sẽ ngon hơn, thịt cá trắng và thơm hơn, góp phần hạ thấp giá thành sản xuất của ngư dân.
“Ngày nay, không chỉ có Việt Nam nuôi cá tra xuất khẩu mà nhiều quốc gia khác trên thế giới như: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Banglades, Campuchia, Thái Lan… đã nuôi được cá tra, việc này đặt ngành công nghiệp cá tra Việt Nam trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Để thành công, doanh nghiệp không có con đường nào khác là phải nhanh chóng áp dụng KHCN vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hạ thấp chi phí sản xuất để có giá thành làm ra sản phẩm tốt nhất, từ đó mới có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác trên thế giới” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới phân tích.