Tam Giang Tây (Cà Mau): Mở hướng từ nuôi tôm quảng canh cải tiến
Nỗ lực vượt qua khó khăn của xã nghèo, Tam Giang Tây (Cà Mau) không ngừng tìm hướng đi mới cho vùng kinh tế ven biển. Từ năm 2011, hiệu quả từ mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) được xem là triển vọng để thay đổi cuộc sống người dân nơi đây.
Nếu như mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống mỗi năm chỉ thu hoạch với năng suất 250 kg/ha thì mô hình nuôi tôm QCCT năng suất cao được triển khai thí điểm cho 2 hộ bước đầu cho năng suất trên 400 kg/ha.
Cần nhân rộng mô hình
Đặc điểm chủ yếu của nuôi tôm truyền thống ở xã Tam Giang Tây trong những năm qua là nuôi tôm kết hợp trồng rừng. Với diện tích được giao cho người dân tối thiểu 2 ha, diện tích trồng rừng theo quy định là 60% nên diện tích còn lại để nuôi thủy sản khá ít. Để tăng thu nhập trên diện tích này mà chỉ dựa vào con tôm truyền thống thì rất khó khăn.
Năm 2011, ông Trần Văn Tèo, ấp Chợ Thủ A, mạnh dạn sử dụng 4.000 m2 mặt nước nuôi tôm QCCT, bước đầu cho năng suất trên 200 kg/vụ. Thành công này mở hướng cho nông dân trong xã thực hiện theo.
Ông Tèo cho biết, mặc dù mô hình này chưa đạt yêu cầu như mong đợi, nhưng nếu áp dụng tốt kỹ thuật thì chắc chắn sẽ thành công. Mô hình nuôi tôm QCCT cho hiệu quả cao hơn nuôi tôm truyền thống và người dân chịu khó học hỏi sẽ làm được.
Anh Phạm Hải Đăng, cùng ấp, năm 2011 được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm QCCT tại chỗ, anh áp dụng và bước đầu cũng đạt hiệu quả. Tuy kết quả chưa như mong đợi nhưng anh có được nhiều kinh nghiệm. Anh Đăng cho biết: “Mô hình này dễ làm, ít tốn công. Nếu người dân trong ấp có quyết tâm sẽ làm được. Do cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi dạy theo hình thức cầm tay chỉ việc và thực hành tại chỗ nên người dân dễ thực hiện”.
Nếu như năm 2011, toàn xã Tam Giang Tây chỉ có 2 hộ nuôi tôm theo mô hình QCCT thì năm 2012 đã tăng lên 70 hộ. Bên cạnh đó, có 2 hộ tiên phong nuôi tôm công nghiệp với diện tích 2,5 ha.
Kế hoạch của xã trong việc phát triển kinh tế mũi nhọn vẫn là nuôi trồng thủy sản. Do đó, việc đầu tư xây dựng các mô hình thâm canh, đa cây, con là hướng đi chính để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của người dân, đặc biệt là kỹ thuật nuôi tôm QCCT và tôm công nghiệp còn yếu kém. Trong thời gian tới, việc hỗ trợ kỹ thuật cho người dân để áp dụng thực hiện mô hình là việc làm cấp bách.
Cần quan tâm cho xã ven biển
Anh Hà Phong Huỳnh, cán bộ khuyến ngư xã Tam Giang Tây, cho biết, đặc điểm đất đai nơi đây khó làm bờ bao. Bên cạnh đó, kiến thức về khoa học - kỹ thuật của người dân còn yếu, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao nên nguồn nước nuôi tôm ô nhiễm, tôm thường xuyên bị bệnh dẫn đến hiệu quả nuôi chưa đạt yêu cầu.
Nhiều năm qua, do kinh phí của xã còn hạn hẹp nên việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hội thảo nhân rộng mô hình vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các cơ sở thuốc thú y cho ngành thủy sản rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân.
Ông Phạm Tấn Thành, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây, bày tỏ: “Hiệu quả của mô hình đã rõ nhưng thực tế còn nhiều hạn chế để phát triển và nhân rộng vì đồng vốn, kỹ thuật, thuốc, hóa chất để xử lý, việc khoanh vùng nuôi... còn nhiều hạn chế. Xã rất cần sự hỗ trợ của cấp trên”.