TIN THỦY SẢN

Tan hoang sau bão số 2

Sóng cao gây cảnh tan hoang trước một ngôi nhà ven biển ở huyện Cát Hải, TP Hải Phòng Ảnh: Trọng Đức

Bão số 2 làm nhiều tuyến đê ở các tỉnh ven biển phía Bắc bị sạt lở, nước biển dâng cao gây ngập lụt, nhiều khu vực nuôi trồng thủy sản thiệt hại nặng nề

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến chiều 24-6, cơn bão số 2 chỉ còn là một vùng áp thấp di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, sau sẽ suy yếu và tan dần. Trước đó, cơn bão này đã càn quét, gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh, TP Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Theo báo cáo ngày 24-6 của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng, bão số 2 làm hơn 2.300 ha đầm nuôi trồng thủy sản và 44 ha hoa màu ở huyện Cát Hải bị hư hại.

Ngoài ra, sóng cao đã tràn lên mặt đê đoạn từ thị trấn Cát Hải đến xã Hoàng Châu (dài 7,5 km) gây ngập lụt. Lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán gần 1.800 người, cưỡng chế 5 người ở trên các bè nuôi trồng thủy sản ở vịnh Cát Bà lên bờ.

Ngoài ra, 50 m kè cầu cảng khu vực bến Bèo Cát Bà và đê kè Cát Hải bị sạt lở, hư hỏng nặng. Tại âu cảng Bạch Long Vỹ, 1 xe tải cứu nạn bị lật úp. Trên đường đi tránh bão, 1 chiếc tàu thủy sản số hiệu HP1586 TS, tải trọng 3 tấn bị bục sàn, đắm tại cửa vịnh Cát Bà nhưng không thiệt hại về người.

Trước đó, ở huyện Đồ Sơn, TP Hải Phòng, hơn 1.000 người gồm dân địa phương và khách du lịch cũng phải sơ tán khẩn cấp do 40 m kè Khu du lịch Đồ Sơn bị sạt lở, nước biển dâng cao tràn vào gây ngập gần 1 m ở khu dân cư.

Tại Quảng Ninh, mưa bão làm thủy triều dâng cao, tràn qua đê ở các huyện Hải Hà, Đầm Hà và Vân Đồn. Ở huyện Cô Tô, khoảng 7 m chân cầu cảng đi xã Thanh Lân và 5 m tường kè chắn sóng vào bãi rác Voòng Xi bị sạt lở. Sóng biển dâng cao cũng phá hủy 35 m đường bê tông đường vào Đồn Biên phòng đảo Trần.

Nam Định là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 2 (150 tỉ đồng). Trong đó, dốc bê tông đê biển Hải Hậu bị sập, 20 m kè biển Khu du lịch Quất Lâm và kè 16 đê tả Đáy huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở. Có hơn 1.500 ha nuôi trồng thủy sản ngoài đê bị mất trắng; 150 ha nuôi tôm, cá chết do sốc môi trường và nhiều diện tích nuôi ngao bị hỏng hoàn toàn, gây thiệt hại khoảng 100 tỉ đồng.

Toàn bộ diện tích muối của Nam Định cũng bị ngập, 2 kho muối bị sét đánh.

Cũng thiệt hại nặng về nuôi trồng thủy sản là tỉnh Thái Bình với trên 1.300 ha đầm nuôi trồng bị ngập, sạt. Ngoài ra, một tàu cá 24 CV bị sóng đánh chìm.

Ở Hà Tĩnh, mưa lớn gây vỡ 15 m kênh ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà làm hệ thống giao thông trong xã và nhà 50 hộ dân ngập sâu. Theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 1.200 ha lúa, hoa màu và 82 ha thủy sản đang chìm trong nước.

Các tỉnh, thành phố đang thống kê thiệt hại và khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dù bão đã tan nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp nên các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, dông; cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Nghệ An: Lũ cuốn 2 người mất tích

Mưa lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong ngày 22 và 23-6 đã gây lũ quét tại suối Nậm Kiên, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn khiến 2 người mất tích. Đến 9 giờ 30 phút ngày 24-6, người dân đã tìm thấy thi thể 1 người là bà Lô Thị Huế (SN 1973), còn con trai bà là Hoàng Gia Phúc (SN 2010) vẫn chưa tìm thấy.

Do ảnh hưởng của bão, trên 8.000 ha lúa, 550 ha hoa màu và 385 ha nuôi trồng thủy sản của tỉnh bị ngập.

 

Người Lao Động