Tăng cường chỉ đạo sản xuất tôm nước lợ năm 2017
Ngày 17/2/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 89/TB-VPCP Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chủ động tổ chức sản xuất bền vững, đồng bộ ở tất cả các địa phương trong cả nước ngay từ đầu năm 2017, Bộ NN và PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ban, ngành tại địa phương khẩn trương tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc tất cả 14 định hướng nhằm đảm bảo cho ngành tôm phát triển nhanh và bền vững như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Tổ chức triển khai các nhiệm vụ cụ thể, trong đó trọng tâm là nhiệm vụ số 8 và số 9 tại văn bản số 89/TB-VPCP ngày 17/2/2017. Trong đó, cần tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện, giao và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng và tổ chức kiểm tra việc thực hiện. Đảm bảo đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Trước mắt nhằm đảm bảo tổ chức sản xuất, thích ứng với điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu, hoàn thành kế hoạch cho cả giai đoạn và phát triển vững chắc ngay từ vụ sản xuất đầu tiên năm 2017, đề nghị các địa phương lưu ý triển khai thực hiện văn bản số 3298/TCTS-NTTS ngày 30/11/2016 về việc thực hiện khung lịch thời vụ thả giống tôm nước lợ năm 2017, số 392/TCTS-PCTTr ngày 22/2/2017 về việc tăng cường quản lý giống tôm nước lợ của Tổng cục Thủy sản. Lưu ý đến các hình thức nuôi phù hợp, có nhiều lợi thế so sánh và có sức cạnh tranh để xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp nhằm hỗ trợ sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Trước diễn biến thời tiết bất thường, cần phổ biến, hướng dẫn lựa chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; thực hiện ương giống (20-25 ngày) để có cỡ giống lớn thả nuôi thương phẩm cho tất cả các hình thức nuôi. Trong đó, đối với vùng nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, trường hợp người dân không có điều kiện để ương/vèo, địa phương cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ương/vèo thành giống lớn trước khi xuất bán cho người nuôi để đảm bảo mùa vụ và hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật kết quả quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh, các biện pháp giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên tôm nước lợ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho tập thể, cá nhân các hộ nuôi tôm thực hiện “3 không”: không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra môi trường.
Tăng cường kiểm soát và quản lý tốt chất lượng con giống, vật tư đầu vào; thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản, các cở sở thu gom, chế biến tôm; ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tổng kết và phổ biến, nhân rộng để người dân áp dụng các mô hình nuôi tôm hiệu quả. Tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ở các hình thức nuôi khác nhau. Tăng cường tổ chức hợp tác (Hợp tác xã/Tổ hợp tác) và liên kết, xây dựng các chuỗi sản xuất tôm trong đó gắn với các doanh nghiệp chế biến sản phẩm. Chỉ đạo Sở NN và PTNT phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.