Tăng cường công tác chống khai thác IUU chuẩn bị cho lần kiểm tra thứ 5
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tàu cá Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài tăng cao hơn cùng kỳ (08 vụ/03 vụ), đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
Để khắc phục tình trạng trên và chuẩn bị tốt để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có ý kiến chỉ đạo thực hiện công tác chống khai thác IUU. Theo đó tại Văn bản số 3836/UBND-TH ngày 22/5/2024, Chủ tịch yêu cầu các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT
- Khẩn trương rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là các tàu cá có chiều dài dưới 15 mét thường xuyên di chuyển ngư trường tại các tỉnh phía Nam; cử ngay Đoàn công tác phối hợp với Cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và PTNT tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với loại tàu cá này, thông báo cho ngư dân biết về chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá để triển khai thực hiện.
- Làm việc với chính quyền các địa phương các tỉnh phía Nam đề nghị hỗ trợ, phối hợp, quản lý số tàu cá này, chỉ cho xuất bến đối với tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
- Khẩn trương đề xuất chính sách chuyển đổi nghề khai thác thủy sản và xã bản tàu cá đối với nhóm tàu cá làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái và nhóm tàu cá cũ có chiều dài từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động nghề câu mực thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan khẩn trương điều tra, xử lý triệt để các trường hợp khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài từ năm 2023 đến nay. Đối với các trường hợp đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cương quyết xử lý theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý hình sự một số vụ việc điển hình nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
- Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức và đối tượng tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của người dân; kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.
- Tập trung tuyên truyền về Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, cho nhiều đối tượng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; trong đó chú trọng các địa bàn trọng điểm áp dụng triệt để các biện pháp ngay từ trong bờ để kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo các Đài truyền thanh địa phương thông tin ngay nội dung Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (đặc biệt những quy định mới, chính sách mới đã được thay thế).
- Chỉ đạo theo dõi, truy cập dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá để phối hợp, xử lý các trường hợp vi phạm của tàu cá địa phương theo chức năng, thẩm quyền được giao; phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá vượt ra ngoài ranh giới vùng biển tự do đánh bắt; tàu cá bị mất tín hiệu kết nối trên biển sau khi tàu về bờ theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo Phòng Kinh tế/Nông nghiệp và PTNT cập nhập kết quả xử lý tàu cá vượt qua ranh giới cho phép trên biển, tàu cá bị mất tín hiệu kết nổi trên biển báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT cho đến khi kết thúc vụ việc./.