TIN THỦY SẢN

Tăng cường hiệu quả ao nuôi với vôi và Zeolite

Zeolite là loại hóa chất phổ biến thường được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản Nhất Linh

Vôi và Zeolite là hai loại hóa chất phổ biến thường được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, nhờ tác dụng hiệu quả của Zeolite trong việc hấp thụ các kim loại, khí độc trong ao và sự cải thiện độ pH, độ kiềm ao nuôi của vôi. Liệu việc sử dụng kết hợp vôi và zeolite có mang đến lợi ích đáng kể hơn?

Zeolite

Zeolite là khoáng chất silicat nhôm hay còn gọi là aluminosilicat, là hợp chất khoáng sét, được sử dụng rất phổ biến trong NTTS, đặc biệt trong nuôi thâm canh tôm, cá. Bởi khả năng hấp thu các khí độc tích tụ ở đáy ao như: NH3, H2S, NO2… và axit trong nước; giảm tỷ trọng kim loại nặng, độc hại trong ao nuôi; phân hủy xác tảo,các chất lơ lửng bẩn trong ao nuôi.

Ngoài ra, Zeolite còn giúp cân bằng môi trường nước, ổn định độ pH; ổn định màu nước, hạn chế có váng, làm sạch nước, tăng lượng ôxy hòa tan trong nước; hạn chế mầm bệnh, vi khuẩn có hại trong nước, vi khuẩn phát sáng trong ao nuôi…

Về cơ chế thì những phân tử lơ lửng, nhiễm bẩn, ion sẽ được hấp thụ vào những lỗ xốp và đường ống của Zeolite. Những kim loại nặng, độc tố sẽ được hấp thụ qua phản ứng trao đổi ion với các ion của Zeolite.

Vôi

Vôi là một loại hóa chất được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Vôi với tác dụng nâng độ pH, tăng độ kiềm, khử phèn trong đất và nước. Thêm vào đó, vôi còn có tác dụng diệt tạp, giảm tảo và sát trùng đáy ao, làm trong nước. 

Đối với người nuôi tôm vôi đóng vai trò rất quan trọng, tạo môi trường kiềm cung cấp canxi cho tôm, giúp vỏ tôm cứng hơn. Ảnh: tepbac.com

Các loại vôi được sử dụng phổ biến:

- CaO (hay còn gọi là vôi sống, vôi nóng, vôi nung): Thường dùng để cải tạo ao, làm tăng độ pH. Lưu ý với ao đang nuôi tôm, cá thì không sử dụng vôi sống.

- Ca(OH)2 (hay còn gọi là vôi bột, vôi tôi): Loại vôi này sử dụng để cải tạo ao và làm tăng mạnh pH trong đất và nước.

- CaCO3 (hay còn gọi là vôi đá, vôi nông nghiệp, super canxi): Thường được người dân sử dụng để xử lý hạ phèn và khử trùng.

- Dolomite (hay còn gọi là vôi đen CaMg(CO3)2: Đây là loại vôi chuyên dùng để hạ phèn, ít làm ảnh hưởng đến độ pH.

Lợi ích khi sử dụng 

Tác dụng chính của vôi trong nuôi tôm là diệt tảo giáp, tảo lam trong đó có cả tảo lục; dùng để xử lý, trung hoà nước mưa. Ngoài ra vôi còn có một tác dụng phụ nữa là giúp hệ đệm trong ao nuôi rất tốt, làm cho tôm đẹp, sáng bóng. Do đó nếu dùng vôi trước khi dùng vi sinh hoặc Yucca là rất tốt. Đánh vôi thường xuyên còn giúp tăng kiềm trong ao, giúp giảm thiểu đáng kể việc đánh khoáng và hạn chế được tối đa bệnh.

Đặc biệt, khi sử dụng kết hợp vôi CaCO3 với Zeolite (bột) có thể kích thích sự phát triển của tảo khuê (đây là nhóm tảo có lợi ao nuôi). Khi tảo này chiếm ưu thế, nước ao sẽ có màu vàng nâu hay màu trà. Tảo khuê có hàm lượng dinh dưỡng cao và kích thước thích hợp làm thức ăn cho ấu trùng tôm. 

Bên cạnh công dụng chính là hấp thu những chất độc, chất bẩn,..thì Zeolite còn tham gia đảo nước và cung cấp ôxy cho ao nuôi. Ảnh: vtchemical.com

Bên cạnh đó, nhờ đặc tính ưu việt là khả năng hấp phụ các kim loại, amonia (dạng NH3, N – NH4+), H2S, NO2… các chất độc cho tôm cá thường có trong ao nuôi của Zeolite, hỗ trợ cho việc ổn định và gây màu nước của vôi, giúp cân bằng độ pH trong ao.

Cách sử dụng vôi, Zeolite

Dùng vôi để tạo tảo khuê: xử lý nước trước khi thả tôm 2 - 3 ngày và sử dụng trong lúc tảo non đang phát triển đánh vào lúc 9 giờ sáng

- Bước 1: Sử dụng 40 kg vôi CaCO3 + 40kg Zeolite (bột)/1.000 m3 nước (chia nhỏ làm 3 lần đánh cách nhau 10 phút, sau mỗi lần đánh chạy quạt cho đều rồi tiếp tục đánh tiếp).

- Bước 2: Sau đó 1 giờ dùng Yucca để xử lý và cấy vi sinh

Nếu trong ao đã có được tảo khuê như mong muốn thì đánh vôi CaCO3 + Zeolite liều bằng 1/2 liều trên để duy màu nước tảo khuê.

Dùng vôi để can thiệp tảo giáp, tảo lam, tảo mắt: Đánh vào lúc 10 giờ tối

- Bước 1: Sử dụng 40 kg vôi CaCO3 + 20 kg vôi CaO/1.000 m3 nước (chia làm 3 lần đánh cách nhau 10 phút, sau mỗi lần đánh chạy quạt cho đều rồi tiếp tục đánh tiếp).

- Bước 2: Sau đó 1 giờ dùng Yucca để xử lý và cấy vi sinh.

- Bước 3: Vào 9 giờ sáng hôm sau, sử dụng 40 kg vôi CaCO3 + 40kg Zeolite (bột)/1.000 m3 nước để tạo lại tảo khuê (chia nhỏ làm 3 lần đánh cách nhau 10 phút, sau mỗi lần đánh chạy quạt cho đều rồi tiếp tục đánh tiếp). Sau đó 1 giờ dùng Yucca để xử lý và cấy vi sinh. 

Nhất Linh