Tăng miễn dịch hoại tử gan tụy cấp trên tôm bằng cao chiết thầu dầu
Nhằm đánh giá hiệu quả tích cực của cao chiết thầu dầu lên sự đề kháng bệnh AHPND (Acute hepatopancreatic necrosis disease) trên tôm thẻ chân trắng, nhóm nghiên cứu Trần Thị Tuyết Hoa, Võ Tấn Huy, Hồng Mộng Huyền, trường đại học Cần Thơ cho rằng khi bổ sung 1,0% cao chiết thầu dầu vào thức ăn tôm cho tỉ lệ sống cao nhất khi cảm nhiễm với vi khuẩn gây hoại tử gan tụy.
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (Acute hepatopancreatic necrosis disease – AHPND) là bệnh do vi khuẩn V. parahaemolyticus gây ra. V. parahaemolyticus là vi khuẩn gram âm, sống phổ biến trong môi trường nước lợ/mặn. AHPND được xác định có khả năng gây chết tôm lên đến 100% trong 20 - 30 ngày sau khi thả giống. Tôm mắc bệnh có dấu hiệu lờ đờ, bỏ ăn, gan tụy teo, dai và có màu sắc nhợt nhạt, ruột rỗng hoặc đứt đoạn. Ngoài ra, kèm theo đó là những dấu hiệu khác như mềm vỏ, sẫm màu và có đốm trên vỏ đầu ngực, phân tích mô học thì cho thấy bệnh ảnh hưởng chủ yếu ở gan tụy của tôm (Lightner et al., 2013).
Sử dụng kháng sinh và hóa chất không đúng cách trong điều trị bệnh đã dẫn đến nhiều tác động tiêu cực gây khó khăn trong phát triển nghề nuôi thủy sản. Để khắc phục hiện trạng đó, thảo dược được đưa vào nghiên cứu sử dụng thay thế kháng sinh đã đem lại nhiều lợi ít đáng kể (Johnson and Banerji, 2007).
Từ nghiên cứu sàng lọc các loại thảo dược kháng lại vi khuẩn vibrio trong điều kiện phòng thí nghiệm. kết quả cho thấy Thầu dầu có khả năng kháng lại V. parahaemolyticus với đường kính vòng vô khuẩn lớn nhất (17 mm đến 18 mm), từ đó thầu dầu được chọn dùng trong nghiên cứu này.
Thầu dầu hay còn gọi là đu đủ tía, có tên khoa học là Ricinus communis L. Cây có thể cao 3-4 m hoặc hơn, thân cây hình trụ, nhẵn, màu lục hoặc đỏ tía.
Rampadarath et al. (2014) cho rằng chiết xuất từ lá cây thầu dầu có hoạt tính kháng khuẩn cao, có thể ức chế vi khuẩn gram âm và gram dương (Bacillus algicola, Listeria innocua, Viridibacillus arenosi, Escherichia coli).
Nghiên cứu của Immanuel et al. (2004) sử dụng cao chiết thầu dầu làm thức ăn cho tôm Peneaus indicus (PL30) liên tục trong 30 ngày. Kết quả ghi nhận tỷ lệ sống của tôm ở nghiệm thức bổ sung cao chiết thầu dầu (58,88%) cao hơn nghiệm thức đối chứng (24,44%).
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định nồng độ thích hợp bổ sung vào thức ăn tôm giúp tăng cường miễn dịch, kháng lại mầm bệnh từ đó, gia tăng tỉ lệ sống khi cảm nhiễm với V. parahaemolyticus.
Nghiên cứu được thực hiện với bốn nghiệm thức bổ sung cao chiết vào thức ăn cho tôm thẻ chân trắng ở mức 0; 0,5; 1,0 và 1,5% trong vòng 30 ngày. Tốc độ tăng trưởng, chỉ số huyết học, hoạt tính phenoloxidase (PO), hoạt tính superoxide dismutase (SOD) và khả năng đề kháng với V. parahaemolyticus của tôm thẻ chân trắng được xác định ở ngày 30 bổ sung cao chiết.
Sau đó 15 con tôm bắt ngẫu nhiên từ từng nghiệm thức ở thí nghiệm 1 đem cảm nhiễm với V. parahaemolyticus, và 1 nghiệm thức đối chứng dương không bổ sung bổ sung cao chiết và cảm nhiễm V. parahaemolyticus. Thí nghiệm theo dõi trong vòng 14 ngày.
Kết quả
Bổ sung cao chiết thầu dầu vào thức ăn tôm thẻ chân trắng với mức bổ sung 0,5% và 1,0% cao chiết trong 30 ngày: giúp tăng cường các chỉ tiêu miễn dịch (THC, GC, HC và hoạt tính PO) và tăng tỉ lệ sống của tôm thẻ chân trắng khi cảm nhiễm với V. parahaemolyticus.
Cụ thể, đối với nghiệm thức bổ sung 1,0% cao chiết thầu dầu có tỉ lệ chết tích lũy thấp nhất sau 14 ngày theo dõi với 26,7%, kế tiếp là nghiệm thức 0,5 và 1,5% tương ứng với 51,1 và 57,8%; tỷ lệ chết tích lũy cao nhất là nghiệm thức đối chứng dương (66,7%).
Tỉ lệ mật độ vi khuẩn Vibrio/mật độ vi khuẩn tổng trong gan tụy tôm ở nghiệm thức bổ sung 1,0% thấp hơn và thấp nhất với 27,2%, so với các nghiệm thức còn lại, tiếp theo là nghiệm thức bổ sung 1,5% (35,9%); 0,5% (41,7%) và 0% (91,1%).
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy bổ sung cao chiết thầu dầu 1,0% giúp gia tăng khả năng miễn dịch và tỉ lệ sống của tôm thẻ chân trắng khi cảm nhiễm với V. Parahaemolyticus.
Theo Trần Thị Tuyết Hoa, Võ Tấn Huy, Hồng Mộng Huyền.