Tạo “cú hích” để phát triển kinh tế thủy sản Hà Tĩnh
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức thì kinh tế thủy sản Hà Tĩnh cần tạo được “cú hích” mạnh để tăng giá trị về nuôi trồng và mang lại hiệu quả cho khai thác hải sản trong năm 2019.
Tôm nuôi vẫn là chủ lực
Những nỗ lực trong năm qua đưa nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh giành được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, con tôm vẫn là sản phẩm chủ lực của tỉnh, đạt sản lượng trên 4.000 tấn, chiếm hơn 50% tổng sản lượng nuôi mặn lợ trong năm 2018. Tuy nhiên, nhìn chung, NTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần có bước đột phá để phát triển.
Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân Trịnh Quang Luật cho biết: Nghi Xuân có 830 ha diện tích NTTS, trong đó, diện tích nuôi tôm công nghệ cao trên cát nhiều nhất tỉnh (83 ha). Do nhiều nguyên nhân dẫn đến diện tích, sản lượng NTTS của huyện trong năm chỉ đạt trên 83% kế hoạch.
“Khó nhất hiện nay là tâm lý người dân ngại đầu tư vì biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp, giá cả bấp bênh. Song, huyện vẫn tập trung phát triển mạnh tôm nuôi. Từ chính sách vay vốn hỗ trợ lãi suất của tỉnh khuyến khích người dân “nâng cấp” ao nuôi từ quảng canh, quảng canh cải tiến lên nuôi công nghiệp, công nghệ cao. Đặc biệt, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư nuôi tôm công nghệ cao tại các vùng đã được quy hoạch...” – anh Luật chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, ngành luôn xác định “ưu tiên" phát triển nuôi tôm vì mang lại giá trị kinh tế cao, đầu ra khá ổn định. Nhưng nghề nuôi tôm đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn lớn. Trong khi đó, trình độ hiểu biết, nắm bắt kỹ thuật nuôi của đa số người dân còn hạn chế, không dám mạnh dạn vay vốn đầu tư...
Năm 2019, Chi cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về các tiến bộ kỹ thuật; đồng thời, quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng hiện đại ở một số vùng nuôi tôm trên cát. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị nhằm nng cao năng suất, giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích...
Tăng tàu đánh bắt xa bờ
Ngư dân nghèo, trong khi vốn đầu tư lớn, nên phát triển khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Sau khi bãi bỏ Quyết định 1822/QĐ-UBND, hiện nay, tỉnh không có chính sách nào hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá xa bờ cho ngư dân. Tuy nhiên, phát triển tàu đánh bắt xa bờ là hướng đi tất yếu mới đem lại nghề khai thác hải sản hiệu quả, bền vững.
Phát triển đội tàu xa bờ để nâng cao sản lượng khai thác biển
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho rằng: Toàn huyện chỉ có 92 tàu cá đánh bắt xa bờ nhưng giá trị kinh tế từ đội tàu này mang lại chiếm gần 30% trong số hơn 1.000 tàu thuyền các loại. Chính vì vậy, huyện sẽ tiếp tục khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng quy mô phương tiện khai thác vùng khơi mới. Mục tiêu mà huyện đặt ra trong năm 2019 là phấn đấu đóng mới, cải hoán 8 tàu cá công suất trên 90 CV với các nghề rê, câu, chụp...
Sản phẩm khai thác từ tàu cá xa bờ luôn có giá trị kinh tế cao
Theo ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh: Năm 2019 sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu đội tàu, đặc biệt là tăng số lượng tàu cá xa bờ có công suất lớn hơn 90 CV để đạt được mục tiêu trên 31.000 tấn sản lượng khai thác biển. Hiện, tỉnh mới ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất cho ngư dân vay vốn khi đóng mới, cải hoán tàu 90 CV trở lên.
“Qua đó, ngành sẽ tập trung đào tạo nghề cho ngư dân; trong đó, ưu tiên đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và ngư dân với những kỹ năng đặc thù của mỗi nghề. Ngoài ra, tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên cơ sở cơ cấu lại đội tàu thuyền, ngành nghề phù hợp với các vùng biển, tuyến biển, với môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản; thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” – ông Nhân nhấn mạnh.
Năm 2019, Hà Tĩnh phấn đấu sản lượng thủy sản đạt 48.800 tấn, giá trị 2.430 tỷ đồng. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản 14.800 tấn, giá trị sản lượng đạt mức 950 tỷ đồng; sản lượng khai thác thủy sản đạt mức 34.000 tấn/năm, giá trị sản lượng 1.480 tỷ đồng.