TIN THỦY SẢN

Tập huấn, tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn

Kiểm tra vây lưới trên rừng ngập mặn. Ảnh: NTN NTN

Bình Định tổ chức các lớp tập huấn tập huấn, tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn.

Bình Định có hai đầm nước lợ diện tích tương đối lớn là đầm Thị Nại (5.060 ha) và đầm Đề Gi (1.600 ha). Trước năm 1975, diện tích rừng ngập mặn 02 đầm này lên tới trên 1.000 ha. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản và quá trình đô thị hóa làm cho diện tích rừng ngập mặn ngày càng suy giảm nghiêm trọng, kéo theo các vấn đề về ô nhiễm môi trường sinh thái, thiên tai, xâm nhập mặn, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản,...

Trong tháng 6 năm 2022, Trung trâm Khuyến nông Bình Định đã tổ chức triển khai 5 lớp tập huấn tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn cho 100 hộ dân tại các xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận (huyện Tuy Phước) và phường Nhơn Bình (thành phố Quy Nhơn) nhằm giúp cho các hộ dân nắm bắt kỹ thuật bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn và giới thiệu một số mô hình sinh kế dưới tán cây ngập mặn.


Pano tuyên truyền bảo vệ rừng ngập mặn. Ảnh: NTN

Theo đó, các hộ dân đã được Trạm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông) giới thiệu tổng quan về hệ sinh thái rừng ngập mặn; tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn đối với kinh tế, xã hội, môi trường; quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó cũng giới thiệu một số mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trong hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Chia sẻ tại các lớp tập huấn, ông Trương Xuân Đưa – Trưởng Trạm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp, cho biết: trồng và bảo vệ rừng ngập mặn là nội dung ưu tiên của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, công tác chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp do diện tích trồng rừng là vùng bãi bồi ven đầm, đây cũng là diện tích người dân tập trung khai thác thủy sản ven bờ.

Vì vậy, thông qua các lớp tập huấn như thế này sẽ giúp cho các hộ dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong việc ổn định môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu; lợi ích thiết thực và lâu dài mà hệ sinh thái rừng ngập mặn mang lại cho con người (bảo vệ bờ đê, các công trình thủy lợi, xây dựng, ngăn mặn, tạo sinh kế).

NTN