Thả cua giống thực hiện mô hình nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá
Ngày 31.3, tại ao nuôi của ông Nguyễn Văn Chín (thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tiến hành cấp phát, thả 2.000 con cua giống với kích cỡ 3-5 cm/con, cua giống kích cỡ đồng đều, có màu sắc tươi sáng, đầy đủ các phần phụ và khỏe mạnh.
Được biết năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai thực hiện mô hình “Nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn nước lợ” tại hộ ông Chín với diện tích ao nuôi 01 ha (10.000 m2). Ông Chín được hỗ trợ 50% kinh phí về con giống, thức ăn và vật tư thiết yếu để thực hiện mô hình.
Đồng thời, Trung tâm phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho hộ dân trong suốt quá trình nuôi từ khâu chọn giống, cho ăn, chăm sóc, phòng trị bệnh đến lúc thu hoạch.
Theo ông Chín, hàng năm vào đầu tháng 3 dương lịch thì bắt đầu cải tạo ao, thả giống để bắt đầu vụ nuôi. Việc cải tạo ao để nuôi ghép tôm, cua, cá không tốn quá nhiều chi phí như nuôi tôm thâm canh.
Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi cũng tương đối đơn giản, dễ áp dụng. Sau khi thả giống khoảng 3 tháng, người nuôi có thể tiến hành thu hoạch tỉa tôm cua cá đạt kích cỡ thương phẩm. Tôm sú đạt kích cỡ 20g/con, cua đạt 250 g/con trở lên, cá đạt 150-300 g/con thì có thể bắt đầu thu hoạch.
Việc nuôi ghép tổng hợp tôm cua cá trong ao sinh thái cây ngập mặn nhằm góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vũng theo hướng thân thiện môi trường, không sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh, tạo ra được sản phẩm an toàn sinh học, đem lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho các hộ nuôi.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiến hành thả 100.000 con giống tôm sú (3-5 cm/con), 1.000 con cá chua (6 cm/con) vào ao nuôi của ông Chín để tiếp tục triển khai mô hình. Đồng thời, Trung tâm sẽ phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn hộ nuôi và theo dõi tình hình của tôm, cua, cá sau khi thả để đánh giá tỷ lệ sống, tốc độ sinh trưởng và phát triển.