Thái Bình: Làm giàu từ nuôi tôm công nghệ cao
Những năm gần đây, huyện Tiền Hải tích cực tuyên truyền người nuôi trồng thủy sản mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao để từng bước nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, thay thế hình thức nuôi tôm truyền thống. Từ phát triển mô hình tôm công nghệ cao, trên địa bàn huyện đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều nông dân tỷ phú.
Cách đây 1 năm, ông Đoàn Đình Chiến, xã Đông Minh mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng cải tạo 2.000m2 ao nuôi tôm thẻ theo phương thức truyền thống sang nuôi trong nhà bạt công nghệ cao. Xác định gắn bó với mô hình nuôi tôm thẻ theo hướng bền vững, ông Chiến đã tham quan các mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở một số địa phương và tìm đọc thêm các tài liệu trên sách báo, xem các chương trình truyền hình phổ biến cách nuôi tôm thẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Chiến chia sẻ: Nuôi tôm thẻ theo đúng quy trình, đạt chuẩn là điều không dễ, do đó diện tích nuôi tôm của tôi đã tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn khắt khe từ khâu xử lý, ao nuôi đều được lót bạt đáy và bờ, hệ thống oxy đáy, khẩu phần ăn hàng ngày và khâu lựa chọn nguồn giống, thức ăn, công tác phòng, trị bệnh. Vì vậy, tuy là ao nhỏ nhưng cho sản lượng lớn, hiệu quả còn hơn cả những ao to. Trước đây không có nhà bạt, tôi chỉ nuôi được 1 - 2 vụ/năm, hiện nay có thể nuôi từ 3 - 4 vụ/năm, trừ chi phí đầu tư tôi thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Còn đối với diện tích nuôi thủy sản của anh Trương Văn Đại, xã Nam Phú, năm 2019 đã đầu tư kinh phí xây dựng 3ha nuôi tôm công nghệ cao bằng bể tròn nổi. Các bể nuôi tôm của gia đình anh Đại được thiết kế hình tròn khung sắt có lót bạt xung quanh và hệ thống ôxy, lưới bao quanh cùng thiết bị hỗ trợ khác.
Anh Đại chia sẻ: Việc nuôi tôm thẻ thâm canh trong bể nổi rất thuận lợi trong việc chăm sóc, quản lý tôm nuôi, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường bể nuôi luôn duy trì ổn định; dễ thu gom chất thải. Mô hình này còn giảm nhiều rủi ro khi xảy ra dịch bệnh từ vùng nuôi xung quanh. Nếu khai thác tốt sẽ giúp tăng năng suất tôm và tăng số vụ nuôi/năm. Để có được hiệu quả trong nuôi tôm công nghệ cao tôi phải quy hoạch vùng nuôi tốt, con giống phải sạch bệnh, nguồn nước bảo đảm được xử lý đúng quy trình. Ngoài ra, nuôi tôm trong bể tròn có rất nhiều cái hay như ngăn chặn cua, còng, chim không xâm phạm mang mầm bệnh vào diện tích nuôi. Từ khi tôi áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã duy trì ổn định 3 vụ/năm mang lại thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao giúp nhiều người dân cải thiện kinh tế. Ảnh minh họa: Tepbac
Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Tiền Hải những năm qua đã cho kết quả khả quan, từng bước thích ứng với sự biến đổi của khí hậu, kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ thành công cao. Nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, tôm nuôi được quây kín trong các nhà bạt, bảo đảm an toàn về dịch bệnh, hạn chế tác động của thời tiết, nhất là những đợt rét đậm, rét hại. Và ưu điểm vượt trội so với nuôi tôm truyền thống là khi thời tiết thay đổi bất lợi, mưa lớn, ao nuôi không bị phân tầng nước, không làm tôm sốc nhiệt gây chết hàng loạt.
Mô hình này không chỉ giúp người nông dân quản lý được thức ăn, tỷ lệ sống của tôm từng giai đoạn mà còn giúp quản lý dịch bệnh. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao là rất lớn nên để nhân rộng cần có chính sách hỗ trợ nông dân vốn vay ưu đãi. Hiện nay, huyện Tiền Hải tạo điều kiện cho các hộ nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, yêu cầu phải được đầu tư bài bản theo quy trình khép kín từ xử lý nguồn nước, môi trường ao nuôi và kiểm soát con giống sạch bệnh. Tích cực chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi biện pháp chăm sóc, phòng bệnh cho diện tích nuôi tôm thẻ. Đến nay Tiền Hải phát triển gần 100ha nuôi tôm công nghệ cao ở 7 xã ven biển, năng suất đạt từ 30 - 40 tấn/ha, mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 - 5 lần so với nuôi truyền thống.
Thúc đẩy phát triển nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn huyện Tiền Hải cũng là giải pháp thiết thực giúp nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Thời gian tới, huyện Tiền Hải chú trọng việc quy hoạch các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính vào đầu tư. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, góp phần thực hiện thành công phát triển lĩnh vực thủy sản theo hướng bền vững trên địa bàn huyện.