Thái Bình: Thời hoàng kim của ngao bao giờ trở lại?
Thời gian gần đây, việc tiêu thụ ngao có phần chững lại, gây tâm lý e ngại, hoang mang trong một số hộ nuôi ngao thương phẩm ở huyện Tiền Hải.
Theo tìm hiểu, do thương nhân Trung Quốc không nhập hàng nên lượng ngao tồn đọng khá lớn.
Những hộ nuôi ở Đông Minh cho biết, 6 tháng đầu năm nay, sản lượng ngao của xã đạt khoảng 30.000 tấn, hàng ứ đọng lại thêm nỗi lo thời tiết bất thường, dịch bệnh đe dọa càng khiến người dân lo lắng. Xã có 2-3 đầu mối thu gom ngao bán sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) theo đường tiểu ngạch.
Chủ hàng liên hệ qua điện thoại với mối hàng Trung Quốc, trao đổi số lượng, chủng loại, giá thành, sau đó vận chuyển hàng đến cửa khẩu, thương nhân Trung Quốc đón hàng và giao tiền. Liên hệ được với một chủ gom lớn, ông Th. (xã Đông Minh) xác nhận, có việc đình trệ thu mua ngao tại cửa khẩu.
Cuối tháng 8, giá nhích lên khoảng 16.000 đồng/kg nhưng thương lái Trung Quốc yêu cầu chỉ nhập loại ngao kích cỡ dưới 70 con/kg chứ không chấp nhận các chủng loại như trước. Khi được hỏi về hình thức giao dịch, ông Th. trả lời chỉ là mua đứt, bán đoạn, không có hợp đồng ràng buộc. Theo KS. Đỗ Mạnh Toàn, Phòng NN&PTNT huyện, hiện giá ngao giảm xuống chỉ còn 15.000 đồng/kg mà cũng rất khó bán.
Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà con ngao mang lại cho người dân Tiền Hải song việc ngao giảm giá đã phát ra cảnh báo trong việc quá phụ thuộc vào một thị trường. Lượng ngao được xuất khẩu sang Nhật Bản, EU và tiêu thụ ở thị trường nội địa chiếm tỷ trọng thấp; còn lại chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà thị trường này lại có tính bất ổn cao.
Các bài học về xuất khẩu gạo, khoai lang, dừa, dứa và gần đây nhất là tôm hùm đều xảy ra theo một kịch bản chung là thao túng- mua một phần- ngừng mua- mua lại và ép giá. Đây cũng không phải là lần đầu tiên con ngao bị ép giá ở thị trường Trung Quốc mà những năm 2005- 2006, việc này đã xảy ra đối với người nuôi ngao huyện Giao Thủy (Nam Định).
Để con ngao trở lại thời hoàng kim, ngành chức năng huyện Tiền Hải cần có chiến lược cụ thể trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ theo bài toán “nhiều giỏ”, tránh bị thao túng bởi một thị trường. Các doanh nghiệp và người nuôi ngao nên tỉnh táo, tránh ham cái lợi trước mắt, chạy theo nhu cầu ảo do thương nhân Trung Quốc tạo ra, khiến tình hình thêm bất ổn.
Cùng với đó cần tăng cường liên kết giữa các cơ quan, ban ngành với doanh nghiệp và người nuôi ngao, chống lại sự thao túng thị trường. Từng bước xây dựng thương hiệu ngao Tiền Hải và tổ chức việc xuất khẩu theo đường chính ngạch...