TIN THỦY SẢN

Thành công của ngành xuất khẩu thủy sản Ấn Độ

Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ trong nhiều năm qua. Phương Thảo

Không chỉ là nhà sản xuất quan trọng, Ấn Độ còn là nhà XK thủy sản lớn, với giá trị kim ngạch đứng thứ 7 thế giới năm 2012. Riêng đối với Việt Nam, Ấn Độ vừa là nguồn cung nguyên liệu lớn nhất, đồng thời trong thời gian gần đây cũng đã trở thành thị trường XK thủy sản đầy tiềm năng.

Được thiên nhiên ưu đãi với 7.517 km đường bờ biển và 2 triệu km2 vùng biển đặc quyền kinh tế, thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của Ấn Độ. Nước này hiện là nhà sản xuất thủy sản lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, và chiếm 6% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu.

XK thủy sản không ngừng tăng trưởng

Trong năm tài chính 2012- 2013, XK thủy sản của Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục cả về khối lượng và giá trị. So với cùng kỳ năm trước, khối lượng XK tăng 7,68%, đạt 928.215 tấn; tương ứng giá trị 18,856 tỷ rupi (3,512 tỷ USD), tăng 13,6% tính theo đồng rupi và 0,1% tính theo đồng đôla Mỹ.

Đông Nam Á là thị trường NK thủy sản lớn nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 23% thị phần. Liên minh Châu Âu (EU) đứng thứ hai, tiếp theo là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, và Trung Đông.

Theo Cơ quan Phát triển XK Thủy sản Ấn Độ (MPEDA), sự tăng trưởng mạnh trong sản xuất và XK tôm và các sản phẩm đông lạnh khác đã giúp ngành thủy sản Ấn Độ đạt mức XK cao kỷ lục.

Nhiều năm qua, tôm là mặt hàng XK quan trọng nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 50% tổng thị phần. Vì vậy, diễn biến trên thị trường tôm thế giới có ảnh hưởng rất lớn đối với XK thủy sản của nước này.

Hưởng lợi từ dịch EMS

Sự bùng phát của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) dẫn đến thiếu hụt nguồn cung ở các nước sản xuất tôm lớn như Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Êcuađo,… khiến giá tôm toàn cầu tăng. Nhờ không bị dịch bệnh này, Ấn Độ đã thu lợi lớn. Theo ước tính, nguồn cung tôm chân trắng của Thái Lan năm 2013 có thể sụt giảm gần 50% và một phần lỗ hổng này sẽ được Ấn Độ và Bănglađét bù đắp.

Trong năm 2012-2013, XK tôm chân trắng Ấn Độ sang thị trường Mỹ tăng mạnh, tới 141,34% về khối lượng và 100% về giá trị (tính theo đồng USD).

Ước tính, trong năm 2013, khối lượng tôm Ấn Độ XK sang Mỹ tăng 69%, lên 11.000 tấn. Rabobank dự báo thị phần thương mại toàn cầu của Ấn Độ sẽ còn tăng trong những năm tới, trong đó sản lượng tôm chân trắng của nước này sẽ tăng gấp 5 lần trong thời gian tới.

Bên cạnh tăng trưởng khối lượng XK, kim ngạch XK tôm của Ấn Độ tăng cao nhờ giá XK tôm tăng trên thị trường toàn cầu.

Tại Hội chợ Thủy sản đông lạnh Conxemar tại Vigo, Tây Ban Nha hồi đầu tháng 10 vừa qua, bà Mafer Gallardo, Giám đốc kinh doanh Công ty XK tôm Songa của Êcuađo cho biết: “Đây là một năm vô cùng đặc biệt. Sản lượng tôm thế giới đã mất đi 1/3,” và giá bị đẩy lên mức cao kỷ lục. “Ngay cả trong khủng hoảng bệnh đốm trắng, giá cũng chưa từng đạt mức cao đến vậy. Giá một số cỡ tôm đã tăng gấp đôi và tăng thêm 30% nữa trong vòng vài tháng trở lại đây.”

Theo dự đoán, giá tôm sẽ không giảm cho tới tháng 4 hoặc tháng 6 năm sau, nhưng khó có thể biết giá còn lên cao tới đâu.

Tăng sức cạnh tranh nhờ không bị áp thuế CVD

Ngay từ đầu, Ấn Độ không có tên trong danh sách bị áp thuế chống trợ cấp (CVD), nhờ đó ngành XK thủy sản giảm được áp lực của suy thoái kinh tế ở châu Âu. Ông A. J. Tharakan, Chủ tịch Hiệp hội XK Thủy sản Ấn Độ (SEAI), cho rằng đây là thắng lợi lớn vì nếu phải chịu thuế CVD, Ấn Độ không thể cạnh tranh được với các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan.

Nếu phải chịu mức thuế CVD 5,85% và thuế chống bán phá giá 3,49% hiện nay, tôm của Ấn Độ XK sang Mỹ sẽ đắt đỏ hơn các đối thủ cạnh tranh. Khi đó, Thái Lan và Inđônêxia sẽ có cơ hội thống lĩnh thị trường tôm và ngăn chặn khả năng tiếp cận thị trường của tôm Ấn Độ.

Tăng giá trị do đồng rupi mất giá

Đồng rupi xuống giá so với USD làm giá trị XK quy ra đồng nội tệ cao hơn, nâng cao thu nhập cho người nuôi và XK tôm Ấn Độ. Đồng rupi mất giá cùng với việc giá tôm tăng khiến giá trị XK tôm của Ấn Độ càng tăng cao hơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, đồng rupi của Ấn Độ đã mất giá 9% so với đồng USD, trong khi giá tôm, nhất là tôm chân trắng, tăng 10-15%. Nhờ đó, giá trị XK tôm của Ấn Độ tính theo đồng rupi tăng thêm 18%.

Với những thuận lợi này, XK thủy sản của Ấn Độ dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay. Đặc biệt, từ tháng 10 trở đi là giai đoạn XK thủy sản sôi động nhất do nhu cầu tiêu thụ cho lễ Giáng sinh và Năm Mới. “Nếu tiếp tục duy trì mức hiện nay, chúng tôi có thể đạt mục tiêu XK 4,3 tỷ USD trong năm nay,” một nhân viên cấp cao của MPEDA cho biết.

Ấn Độ: Đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam

Là những nước XK thủy sản hàng đầu thế giới, Việt Nam và Ấn Độ vừa là đối thủ cạnh tranh trên thị trường, vừa là đối tác quan trọng trong quan hệ thương mại thủy sản. Theo Trademap, Ấn Độ hiện là nhà cung cấp thủy sản nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, còn Việt Nam đứng vị trí thứ hai trong các nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho Ấn Độ, chỉ sau Bănglađét.

XK thủy sản Ấn Độ sang Việt Nam

Mấy năm qua, XK thủy sản của Ấn Độ sang Việt Nam tăng trưởng vượt bậc. Chỉ trong bốn năm (2009-2012), giá trị XK thủy sản của Ấn Độ sang Việt Nam tăng 757,22%, từ 6,672 triệu USD lên 57,194 triệu USD, trong đó năm 2011 giá trị XK đạt mức cao kỷ lục 86,181 triệu USD.

Tôm là sản phẩm XK chính của Ấn Độ sang Việt Nam với thị phần cao và liên tục tăng trưởng, từ 58,66% (2009) lên 65,29% (2010), 92,09% (2011), và 93,9% (2012) (Hình 1).

Giá trị XK tăng trưởng mạnh một phần nhờ tác động của Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN - Ấn Độ (có hiệu lực từ năm 2010) đối với trao đổi thương mại.

Ngoài ra, Hội chứng tôm chết sớm (EMS) bùng phát ở Việt Nam từ năm 2010 đã khiến các DN chế biến XK thiếu tôm nguyên liệu, buộc phải tăng cường NK. Từ tháng 3/2011, dịch bệnh lan rộng, và gây thiệt hại nghiêm trọng nhất tại vùng ĐBSCL với tổng diện tích bị ảnh hưởng lên tới 98.000 ha. Do đó, NK tôm của Việt Nam từ Ấn Độ trong năm 2011 đạt mức cao kỷ lục 79,362 triệu USD.

Năm 2012, vừa phải tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch EMS, vừa bị thương lái Trung Quốc ồ ạt sang tranh mua tôm, Việt Nam phải NK khoảng 170 triệu USD tôm nguyên liệu từ 27 quốc gia để chế biến. Cùng với Thái Lan, Inđônêxia và Êcuađo, Ấn Độ cũng là một thị trường cung cấp tôm nguyên liệu chính của Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2013, XK tôm Việt Nam sang các thị trường chủ lực tăng trưởng rất ấn tượng: Mỹ tăng 52,4% so với cùng kỳ năm ngoái, Nhật Bản 23%, EU 54,5% và Hàn Quốc 96,2%. Thêm vào đó, quyết định không áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam của Mỹ trong tháng 9 vừa qua đã mở ra cơ hội lớn hơn cho các nhà XK Việt Nam ở thị trường này. Tuy nhiên, tình trạng thương lái Trung Quốc cạnh tranh thu mua nguyên liệu tiếp diễn khiến nguồn cung tôm trong nước thiếu hụt và đẩy giá bán lên cao. Do đó, các DN vẫn có nhu cầu NK rất lớn tôm nguyên liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Ấn Độ - quốc gia sản xuất tôm lớn không bị ảnh hưởng bởi dịch EMS.

XK thủy sản Việt Nam sang Ấn Độ

Từ khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ được ký kết năm 2009, giá trị XK thủy sản của Việt Nam sang Ấn Độ tăng vọt. Sau bốn năm, giá trị XK tăng 1881,53%, từ 753.661 USD (2009) lên 14,934 triệu USD (2012). Trong đó, cá tra là mặt hàng chủ lực, luôn chiếm hơn 58% thị phần (Hình 2).

Ấn Độ NK cá tra chủ yếu từ Việt Nam, và tăng trưởng NK thủy sản từ Việt Nam trong những năm gần đây cũng chính do tăng NK cá tra. Năm 2012, NK philê cá đông lạnh của Ấn Độ đạt 10,503 triệu USD, trong đó NK nhiều nhất từ Việt Nam (7,69 triệu USD), chiếm tỷ trọng 73% và tăng gần 32% so với 5,833 triệu USD của năm 2011.

Giá trị NK cá tra của Ấn Độ tám tháng đầu năm nay đạt 7,67 triệu USD, tăng 29,93% so với cùng kỳ năm 2012.

Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến XK thủy sản của Ấn Độ bị ảnh hưởng. Do đó các DN nước này đã chuyển hướng sang NK cá tra - loài thủy sản với giá bán hợp lý, có nhu cầu lớn không chỉ ở Ấn Độ mà cả trên thế giới.

NK cá tra tăng cũng xuất phát từ nhu cầu thủy sản ngày càng lớn của người dân Ấn Độ do thu nhập cao hơn và quá trình đô thị hóa với sự xuất hiện ngày càng nhiều siêu thị. Nhu cầu tăng khiến nguồn lợi thủy sản của nước này bị khai thác quá mức, tốc độ tăng trưởng sản lượng do đó cũng giảm, từ mức 7% năm 2008-2009 xuống còn 3,5% năm 2012-2013. Ấn Độ không đủ cá nguyên liệu đạt chất lượng để chế biến philê, và nhiều công ty chuyên cung cấp thủy sản cho phân khúc khách hàng cao cấp và các nhà hàng hạng sang phải NK cá tra từ Việt Nam về chế biến.

Cũng chính do lạm thác mà giá thủy sản của Ấn Độ tăng chóng mặt trong vài năm lại đây. Từ năm 2008 đến nay, giá thủy sản bán buôn tại Ấn Độ đã tăng 131%, trong đó giá cá biển tăng khoảng 91%, và giá cá khai thác nội địa tăng 200%. Giá cá nguyên liệu tăng khiến các DN chế biến XK thủy sản và các lĩnh vực liên quan ở Ấn Độ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây lại là lợi thế cho các loài cá NK có giá hợp lý hơn xâm nhập thị trường này, bao gồm cá tra của Việt Nam.

Bên cạnh NK, Ấn Độ cũng bắt đầu nuôi cá tra ở một số khu vực trong nước như vùng Andrah Pradesh. Là quốc gia có tiềm năng phát triển họ cá nheo, nhất là cá trê, nhưng sản lượng nuôi còn hạn chế, Ấn Độ hy vọng học được kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển sản xuất loài cá này.

Phương Thảo Vietfish