TIN THỦY SẢN

Thanh Hóa: Hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản còn yếu

Khu nuôi trồng thủy sản của gia đình anh Phạm Văn Quế, xã Nga Tân (Nga Sơn). Ảnh: Lê Hòa Lê Hòa

Theo phân tích của nhiều chủ đồng và ngành chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là con nuôi có giá trị kinh tế cao vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập chính là cơ sở hạ tầng còn yếu, thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ.

Cùng với việc khai thác, huyện Nga Sơn xác định phát triển nuôi trồng thủy sản là ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn bất cập trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản nên năng suất, sản lượng vẫn còn bấp bênh. 

Chúng tôi đến khu đồng Bảy Trăm, xã Nga Tân nơi đánh dấu sự “chuyển mình” về kinh tế của địa phương. Năm 2010, xã có chủ trương chuyển đổi diện tích trồng cói hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi trồng thủy sản, người dân đã nhiệt tình hưởng ứng, thực hiện dồn đổi ruộng đất để hình thành vùng nuôi trồng thủy sản có diện tích 250 ha. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ bờ bao quanh các ao nuôi, kênh mương, cống thoát nước đã được đầu tư xây dựng; nhưng hệ thống điện, bờ vùng... vẫn chưa bảo đảm để sản xuất ổn định. Ngoài ra, khu nuôi trồng thủy sản của địa phương có 11,2 km giao thông nội vùng. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư kiên cố khá lớn nên đến thời điểm hiện tại, mới cứng hóa và rải đá cấp phối được 3km tại tuyến đường chính, còn lại hơn 8 km đường nhánh vẫn là đường đất tạm bợ. Trao đổi với các chủ đồng nuôi, được biết, ngoài hệ thống giao thông còn thiếu, chưa đồng bộ thì thiếu điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt tại khu nuôi trồng cũng là rào cản cho sự phát triển chung của toàn vùng. Ông Phạm Văn Quế, chủ đồng nuôi cho biết: Mặc dù đã đầu tư nuôi trồng thủy sản nhiều năm, song vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển sản xuất vẫn là điều mà các hộ nuôi trăn trở. Hiện tại, chưa có hệ thống điện đến khu nuôi trồng nên tất cả các chủ đồng đều phải mua điện giá cao để phục vụ sản xuất. Do đó, các hộ chỉ phát triển nuôi quảng canh nên hiệu quả kinh tế mặc dù đạt khá song chưa tương xứng với tiềm năng. 

Khu đồng Bá Vân, thôn Lộc Tiến, xã Quảng Trung (Quảng Xương) được đánh giá là vùng nuôi trồng thủy sản tiềm năng, được quy hoạch sản xuất nhiều năm song hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn đơn sơ, thiếu vững chắc. Trao đổi với anh Đậu Văn Bằng, chủ đồng nuôi, được biết: Gia đình anh thầu đồng nuôi từ năm 2010, với 20 ha nuôi trồng, nếu thời tiết thuận lợi, không bị dịch bệnh thì có thể thu sản lượng từ 8-10 tấn tôm, cua, cá, lợi nhuận ước tính khoảng 200 đến 250 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, do đồng nuôi được đấu thầu 5 năm/lần nên hệ thống cơ sở hạ tầng như đường, điện, mương dẫn chỉ được đầu tư tạm bợ. Nếu gặp thiên tai thì gần như các đồng nuôi mất trắng... Tiềm năng nuôi trồng thủy sản tại xã Quảng Trung là rất lớn, nhưng thời gian cho thầu đất ngắn đã khiến nhiều hộ dân không dám bỏ kinh phí lớn để đầu tư hạ tầng kiên cố, sợ “thu không đủ chi”. Anh Đậu Văn Bằng, nhấn mạnh: “Nếu thời gian đấu thầu đất sản xuất kéo dài lên 10 hay 20 năm thì không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các hộ nuôi sẽ cố gắng huy động kinh phí để đầu tư hạ tầng kiên cố, đồng bộ tại các khu nuôi trồng, chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ cao, ổn định hơn”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Thạch, Chủ tịch UBND xã Quảng Trung, cho biết: Khu nuôi trồng thủy sản của địa phương đã được quy hoạch và phát triển gần 10 năm, song do nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp, lại không được tiếp cận với các dự án hỗ trợ nên hệ thống cơ sở hạ tầng tại các khu nuôi trồng vẫn còn yếu, thiếu và chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa đạt như kỳ vọng. Bên cạnh đó, do rào cản về chính sách hạn điền trong Luật Đất đai nên các chủ đồng nuôi cũng chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố. 

Thanh Hóa có 19.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó mới có khoảng 25% diện tích được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm nuôi thâm canh có hiệu quả kinh tế cao như ở các xã: Nga Tân, Nga Thủy (Nga Sơn); Xuân Lộc, Đa Lộc (Hậu Lộc); Hoằng Phụ, Hoằng Phong, Hoằng Lưu (Hoằng Hóa); Quảng Chính, Quảng Khê (Quảng Xương); Thanh Thủy (Tĩnh Gia); Trường Giang (Nông Cống)... Diện tích còn lại khoảng 75% đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ít hơn, phù hợp với nuôi quảng canh nhưng hiệu quả kinh tế không cao; còn nuôi thâm canh thì thường dễ phát sinh dịch bệnh. Ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Mặc dù tỉnh đã nỗ lực trong việc đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, song nhiều vùng còn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống kênh mương, ao đầm và các công trình phụ trợ đã xuống cấp nên hiệu quả phục vụ sản xuất chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư cho phát triển nuôi trồng thủy sản còn ít, nông dân thiếu vốn đầu tư cải tạo ao, đầm, xây dựng các công trình nuôi. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi đầu tư trước đây chủ yếu phục vụ cho sản xuất các loại cây trồng, khi chuyển sang nuôi trồng thủy sản không còn phù hợp... Để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, các địa phương cần khuyến khích người dân kết hợp nhiều phương thức nuôi đa dạng như nuôi quảng canh, thâm canh, bán thâm canh, nuôi xen canh hoặc luân vụ. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp.

Lê Hòa Báo Thanh Hóa