TIN THỦY SẢN

Thanh Hóa: Hiệu quả mô hình nuôi ghép tôm cá

Mô hình nuôi ghép bước đầu mang lại hiệu quả ở Thanh Hóa. Ảnh minh họa. Thu Hằng

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nghề nuôi trồng thủy sản cũng đã áp dụng phương thức nuôi, đối tượng nuôi mới nhằm tăng năng xuất, sản lượng, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã xây dựng mô hình: “Áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật nuôi một số loài thuỷ sản thích ứng với biến đổi khi hậu” tại xã Hoằng Đại, thành phố Thanh Hóa với quy mô 3,4 ha, 5 hộ tham gia, mật độ thả tôm chân trắng 15 con/m2, cá đối mục 0,3 con/m2; thời gian nuôi 6 tháng.

Khi thực hiện mô hình, các hộ dân được tham gia tập huấn, hội thảo tổng kết, nhân rộng mô hình và được hỗ trợ 100% giống, 30% thức ăn công nghiệp, được trao đổi thông tin về dịch bệnh giữa các hộ thực hiện mô hình và cán bộ kỹ thuật.

Mục tiêu của mô hình là từng bước chuyển đổi cơ cấu, đưa các đối tượng nuôi trồng thủy sản nước lợ phù hợp, có hiệu quả ứng với các tác động bất thuận của thời tiết, góp phần giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi tự nhiên, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

Qua 6 tháng thực hiện mô hình cho thấy tỷ lệ sống trung bình của tôm đạt 70%, năng suất tôm đạt: 1.312 kg/ha, cao hơn so với yêu cầu 1.200 kg/ha; bên cạnh đó các hộ thực hiện mô hình còn tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Riêng cá đối mục tỷ lệ sống trung bình đạt 75%, cỡ cá thu hoạch 250 g/con; năng suất trung bình đạt 562 kg/ha, hiệu quả kinh tế đạt từ  50 - 55 triệu/ha/vụ (sau khi trừ chi phí sản xuất) tăng từ 25-30% so với hình thức nuôi tôm sú quảng canh.

Từ hiệu quả của mô hình đã góp phần tạo môi trường thuận lợi, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp nông dân trong vùng tiếp cận với kỹ thuật nuôi, hình thức mới, cách làm mới nâng cao đời sống, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đặc biệt là góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn; 1.500 ha diện tích nuôi tôm sú kém hiệu quả tại các xã như: xã Hoằng Phong; xã Hoằng Châu; Hoằng Lưu; Hoằng Quang; Hoằng Đạt; Hoằng Đại; Hoằng Long; Trường Trung; Trường Giang; Quảng Chính; Quảng Trung... có thể chuyển đổi sang hình thức nuôi kết hợp tôm sú, tôm chân trắng, cá đối mục, cá rô phi ...

Chính vì vậy, để mô hình được nhân rộng, phát triển bền vững trong thời gian tới nhằm mang lại lợi nhuận kinh tế, tăng thêm thu nhập nâng cao hiệu quả kinh tế, các cấp các ngành chức năng cần quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân như cho thuê đất lâu dài, hỗ trợ vốn, và tìm kiếm thị trường đầu ra để người dân yên tâm sản xuất.

Thu Hằng TTKNQG