Thanh Hóa: Khó khăn trong quản lý nguồn giống thủy sản
Trong nuôi trồng thủy sản, con giống là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến các khâu của chuỗi sản xuất, như chất lượng, năng suất, sản lượng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung ứng giống thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, thiếu sự kiểm soát. Số con giống được sản xuất tại các cơ sở trên địa bàn thấp, chỉ chiếm gần 20% (khoảng 1,1 tỷ con giống các loại/năm).
Những năm gần đây, sản lượng nuôi trồng thủy sản của người dân ở một số huyện trên địa bàn tỉnh, như: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương... chưa cao. Theo ý kiến của nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản, một phần nguyên nhân là do con giống chưa bảo đảm về chất lượng cũng như số lượng. Ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn Mỹ Điền, xã Đa Lộc (Hậu Lộc), cho biết: Tuy đã tìm hiểu và kiểm tra chất lượng giống từ một số cơ sở nuôi giống uy tín tại địa phương nhưng không ít lần ông nhập phải giống tôm chất lượng kém, bị nhiễm bệnh. Qua tìm hiểu, ông nhận thấy hầu hết những hộ nuôi tôm trên địa bàn xã đều gặp phải khó khăn tương tự. Sau một thời gian nghiên cứu, để việc nuôi đạt hiệu quả, ông đã đào ao nuôi giống có diện tích 140 m2, nuôi từ 50 đến 60 vạn con giống. Giống tôm được ông nhập từ Công ty CP Việt - Úc (tỉnh Bình Định), mỗi lứa giống đều có hồ sơ nguồn gốc rõ ràng và được kiểm tra dịch bệnh trước khi thả xuống ao nuôi. Việc chủ động nguồn giống khiến sản lượng tôm mỗi vụ của gia đình ông luôn ổn định. Bên cạnh đó, ao giống của ông còn tạo điều kiện cho người dân ở địa phương tiếp cận được nguồn giống có chất lượng, hạn chế rủi ro trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc nhập giống từ nơi khác cũng khiến người dân không chủ động được mùa vụ. Khi nhập các loại giống thủy sản, do vận chuyển đường dài với mật độ cao làm tôm bị yếu, tỷ lệ hao hụt lớn, khó kiểm soát mầm bệnh.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 44 trại sản xuất giống cá nước ngọt, 3 cơ sở sản xuất tôm sú, ngao... 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng cá bột đạt 900 triệu con, 50 triệu con tôm sú giống PL15. Sản lượng giống cá bống bớp, ngao Bến Tre đạt mức ổn định. Bên cạnh đó, các cơ sở còn di ương 500 triệu con tôm giống, trong đó có 200 triệu tôm sú và 300 triệu tôm chân trắng. Qua tìm hiểu tại các địa phương cho thấy, ngoài những cơ sở có đủ điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh thì còn tồn tại các trại giống tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên chất lượng con giống không bảo đảm. Một số cơ sở sản xuất giống chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng, chưa thực hiện kiểm dịch con giống khi xuất bán sản phẩm, không thực hiện ghi nhãn giống thủy sản khi lưu thông... khiến các cơ quan quản lý cũng như người nuôi khó truy xuất nguồn gốc. Một số đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá rô phi đơn tính chất lượng cao... chưa sản xuất được giống tại địa phương nên phải nhập từ nơi khác về, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý chất lượng con giống. Riêng về giống tôm sú, sản xuất giống chỉ mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu của các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn thiếu cẩn trọng khi nhập giống, mua giống tại những cơ sở không bảo đảm uy tín nên nguồn giống chưa thực sự đạt hiệu quả, dễ bị chết hoặc dịch bệnh. Tình trạng lạm dụng hóa chất trong ao nuôi vẫn còn, các chất thải từ sinh hoạt, sản xuất làm ảnh hưởng tới các nguồn nước, gây ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi thủy sản. Chưa kể, hiện nay, thời tiết, điều kiện khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản nói chung, trong đó có sản xuất giống.
Để từng bước giải quyết khó khăn, ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương về thời vụ cải tạo ao, đầm, quản lý môi trường, dịch bệnh và chăm sóc đối tượng nuôi. Các huyện vùng triều cần tăng cường kiểm soát việc đưa tôm giống vào địa bàn và tuyên truyền cho chủ đồng chỉ mua tôm giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín. Bên cạnh đó, hằng năm trung tâm khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật giúp người nuôi kiểm tra, chọn tôm giống sạch bệnh, hướng dẫn nuôi một số đối tượng mới, từng bước nâng cao chất lượng sản xuất giống thủy sản tại chỗ nhằm cung cấp cho các cơ sở nuôi những dòng sản phẩm con giống thủy sản tốt, an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, các cơ sở sản suất giống cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cấp và thoát nước, xử lý nước thải phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và điều kiện vệ sinh thú y thủy sản, có hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan của tỉnh để kiểm tra, kiên quyết xử lý những cơ sở sản xuất giống thủy sản kém chất lượng, chưa được kiểm dịch tại gốc. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của các trại sản xuất giống thủy sản, bảo đảm an toàn về chất lượng.