Thanh Hóa phát triển thủy sản tập trung theo hướng công nghiệp
Những năm gần đây, tại các địa phương ven biển của tỉnh đã từng bước hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao cho lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nhờ quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đến nay huyện Hoằng Hóa đã hình thành được các vùng nuôi thâm canh tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 116,4 ha, tại các xã Hoằng Phụ, Hoằng Yến, Hoằng Trường, Hoằng Đông, Hoằng Ngọc, Hoằng Hà, Hoằng Lưu...
Các vùng nuôi tôm công nghiệp thâm canh đã được người dân đầu tư các mô hình nuôi một cách hệ thống với nguồn vốn lớn. Trung bình đầu tư cho 1 ha nuôi tôm công nghiệp được người dân đầu tư khoảng từ 1,5 tỷ đến 2 tỷ đồng/ha, bao gồm: cát lót nền, bạt, hệ thống ống cấp thoát nước, hệ thống điện, máy quạt nước... Ngoài ra, người dân còn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống ao lắng cung cấp nước cho ao nuôi và ao lắng để xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Với sự đầu tư bài bản cùng với ứng dụng công nghệ cao, nên năng suất nuôi công nghiệp thâm canh tương đối cao, trung bình đạt từ 17-22 tấn/ha/vụ, có những ao nuôi đạt 30 tấn/ha/vụ. Doanh thu bình quân trong nuôi tôm công nghiệp thâm canh đạt từ 2 đến 2,5 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/ha/vụ.
Ngoài ra, nhiều hộ nuôi ở các xã Hoằng Yến, Hoằng Phụ, Hoằng Hà, Hoằng Lưu còn đầu tư nuôi tôm công nghiệp trong nhà có mái che theo hướng công nghệ cao với diện tích 3,1 ha. Việc đầu tư các ao nuôi trong nhà có mái che sẽ hạn chế tối đa việc thay đổi môi trường nước, góp phần tăng vụ nuôi, có thể nuôi 3 vụ trong năm. Đồng thời, áp dụng một số công nghệ hiện đại trong xử lý nguồn nước, men vi sinh, phần mềm quản lý môi trường nước và cung cấp dinh dưỡng cho tôm sẽ tăng khả năng kiểm soát môi trường nước, dịch bệnh, mang lại năng suất vượt trội và có độ an toàn cao hơn so với nuôi thâm canh không có mái che chưa áp dụng công nghệ cao. Năng suất của hình thức nuôi tôm công nghiệp trong nhà có mái che theo hướng công nghệ cao đạt đến 45 tấn/ha/vụ, thu nhập từ 4,5 đến 5 tỷ đồng/ha/vụ.
Ông Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết: Phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên và các nguồn lực, huyện Hoằng Hóa phát triển nuôi trồng thủy sản thành một ngành sản xuất hàng hóa mũi nhọn với sản phẩm chủ lực là tôm, cua, cá... Các xã đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới và thực hiện quản lý vùng nuôi theo quy hoạch được duyệt, công tác khuyến ngư, thống kê thủy sản được cập nhật thường xuyên.
Tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã Hoằng Phụ, Hoằng Lưu, Hoằng Châu, Hoằng Phong, Hoằng Đạt đã được quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi, như: hệ thống kênh mương, cống dẫn thoát nước, hệ thống điện, đường giao thông... Ngoài ra, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân chuyển đổi diện tích đất sâu trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở vùng nội đê thuộc các xã giáp phía Đông và phía Tây sông Cung, vùng ngoại đê sông Lạch Trường trở thành động lực thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
Thực hiện chủ trương phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, áp dụng khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến để mở rộng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn đã chuyển từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, giảm dịch bệnh, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 500 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp, sản lượng ước đạt 7.500 tấn/năm. Hiện các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đang nỗ lực thu hút đầu tư nâng cấp vùng nuôi trồng thủy sản tập trung bảo đảm nuôi thâm canh, từng bước hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đồng thời, quản lý vùng nuôi và bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển các mô hình hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục chuyển đổi các diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nuôi tôm công nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nuôi.