TIN THỦY SẢN

Thấp thỏm nuôi tôm nước lợ

Nông dân xã Hiệp Phước (Nhà Bè) chuẩn bị vào vụ nuôi tôm nước lợ. Ảnh: T.Đ Trần Đáng

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp với huyện Nhà Bè và Cần Giờ tăng cường nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, nhiều nông dân nuôi tôm tỏ ra khá lo lắng trước thực trạng tôm mất giá và mùa dịch bệnh phát triển.

Lo “gãy” vẫn làm

Ông Phan Văn Chính – một nông dân nuôi tôm (tổ 17, xã Bình Khánh, Cần Giờ) cho biết, khu vực nuôi tôm ở Cần Giờ là vùng dịch bệnh, nhất là vào những tháng cuối năm khi thời tiết giao mùa, vì thế đẩy mạnh việc nuôi tôm vào thời điểm này sẽ khá rủi ro, chưa kể giá tôm trên thị trường đang rớt sâu.

Ông Chính có đến 5ha diện tích nuôi tôm công nghiệp, được chia ra 12 ao. Ông đang cho xây một hồ nuôi ương tôm rộng 100m2 với hy vọng hạ thấp tỷ lệ tôm giống thả ra ao bị chết. “Trước đây khi mua tôm giống về là tôi thả ra ao nuôi chứ không ương tôm giống trước. Làm như vậy tỷ lệ chết tôm giống hơn 50 %. Cụ thể tôi thả 12 ao thì “vứt” 6 ao. Khu vực này là vùng dịch bệnh phát triển mạnh nên nuôi tôm phải rất cẩn thận” - ông Chính nói.

Một tháng trước ông đã thả nuôi 6 ao tôm. Hỏi sao ông không thả hết 6 ao còn lại ông bảo nước đang ngọt không đủ độ lợ nên phải chờ đến đầu tháng 10 tới.

Theo ông Chính, giá tôm cũng không thuận lợi cho việc thả giống. “Hiện, giá tôm trên thị trường khá thấp. Tôm hơn 30 con/kg bán tại chợ đấu mối Bình Điền (quận 8) chỉ khoảng 140.000 đồng, trong khi đó giá thường phải là 190.000 đồng/kg”- ông Chính nói.

Tại tổ 17, có khoảng 40 hộ dân thì có đến hơn 40ha ao tôm. Ao tôm núp sau những đám dừa nước, ken dày hai bên đường vào tổ. Một số hộ nuôi tôm đã bắt đầu thả giống, số khác mới xử lý đất ao…

Trong khi đó, tại xã Hiệp Phước (Nhà Bè), trong số 7 ao tôm thì ông Huỳnh Công Phúc mới chỉ thả giống có 3 ao. Ông cũng cho biết một số hộ nuôi tôm lân cận cũng đã thả tôm giống. “Không muốn thả giống cũng không được vì chủ ao tôm đã “ăn chịu” với cửa hàng vật tư nông nghiệp rồi”- ông nói. Theo ông Phúc, khá nhiều hộ nuôi tôm không tuân thủ kỹ thuật làm ao, quy trình thức ăn, con giống… Họ nuôi tự phát nên rất dễ đón nhận rủi ro, nhất là vào những lúc giao mùa tôm thường phát bệnh.

Tại khu vực ấp 2, 3, 4 (xã Hiệp Phước) có hơn 200ha diện tích ao nuôi tôm đang chuẩn bị thả giống nuôi tôm nước lợ.

Ngại thả giống tôm nước lợ

Theo ông Trương Văn Năm – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cần Giờ (Trung tâm Khuyến nông TP.HCM), việc tăng cường thả nuôi tôm nước lợ vào những tháng cuối năm nay đã được trạm triển khai đến các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Ông cũng cho biết, thời điểm này, một số xã nuôi tôm ở huyện như xã Bình Khánh nước đang bị ngọt hóa nên diện tích nuôi tôm giảm nhiều. Bên cạnh đó, tôm mất giá, thời điểm hiện nay dễ bùng phát dịch bệnh cũng khiến một số hộ nuôi tôm ngán ngại thả tôm giống vào lúc này. Hiện, Cần Giờ có khoảng 3.000 ha diện tích nuôi tôm. Tuy nhiên, những năm qua do một số hộ nuôi tôm chưa đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, dẫn tới ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lan rộng, tôm chết sớm gây thiệt hại kinh tế lớn cho nông dân. Theo UBND huyện Cần Giờ, thời gian tới huyện sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm; đưa khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm để nông dân tiếp cận mô hình hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.

Trong khi đó, Hợp tác xã dịch vụ Hiệp Thành (Nhà Bè) cũng vừa tổ chức tập huấn cho gần 50 hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện để triển khai việc nuôi tôm nước lợ đón vụ tôm tết cuối năm nay. Theo ông Trần Văn Mùa - thành viên Hội đồng quản trị HTX Hiệp Thành, hiện nay một số hộ nuôi tôm tỏ ra ngán ngại thả giống tôm nước lợ do giá cả thấp và vào thời điểm giao mùa. “Phải bước qua tháng 10, các hộ nuôi tôm mới ồ ạt thả giống” - ông Mùa nói.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhà Bè Phạm Văn Quý cho biết, Nhà Bè hiện có khoảng 400ha diện tích nuôi tôm. Tập trung chủ yếu tại xã Hiệp Phước và Nhơn Đức. Tuy nhiên, vào thời điểm này chỉ có những hộ nuôi tôm khu vực ven sông Soài Rạp (xã Hiệp Phước) là có nước lợ để nuôi tôm, còn những xã nằm xa sông Soài Rạp thì nước đã hoàn toàn ngọt hóa nên không thể nuôi tôm được. 

UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở NNPTNT phối hợp với UBND các huyện Cần Giờ và Nhà Bè triển khai hiệu quả kế hoạch hành động về phát triển nuôi tôm nước lợ 6 tháng cuối năm 2016 nhằm nâng cao sản lượng, giá trị, góp phần bù đắp những thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; quản lý tốt chất lượng tôm giống, vật tư đầu vào; tổ chức các đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư trong nuôi trồng thủy sản...

Trần Đáng Báo Dân Việt, 21/09/2016