TIN THỦY SẢN

Thất thu vụ cá nam

Việc phát triển đội tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh vẫn còn chậm. Ảnh: N.Q.V Nguyễn Quang Việt

Sản lượng khai thác vụ cá nam (từ tháng 4 - 9.2013) chỉ đạt xấp xỉ 48.000 tấn (đạt 80% so với cùng kỳ). Đây là mùa vụ chính trong năm nhưng năng suất đạt thấp khiến nhiều ngư dân gặp khó khăn khi đầu tư phương tiện, tiếp tục ra khơi bám biển.

Thất thu

Cảng cá Tam Quang vào những ngày này vắng hoe. Không khí rộn rịp, tất bật mua bán hải sản không còn như trước. Ngư dân Trần Hò (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang, Núi Thành) chia sẻ: “Theo nghề lưới vây từ hơn 20 năm nay, tôi chưa hề thấy năm nào sản lượng khai thác lại giảm sút như vụ cá nam vừa rồi. Trong vòng 6 tháng qua, chúng tôi vươn khơi tổng cộng 9 chuyến biển thì có đến 6 chuyến hòa vốn, 3 chuyến lỗ tổn. Mọi năm nghề biển làm ăn được, người đi “bạn” khắp nơi về đây xin đi còn năm nay thì tìm “bạn” không ra. Để ra khơi được chuyến biển cuối mùa vừa rồi, gia đình chúng tôi phải vay nóng để ứng tiền trước cho một số người đi “bạn” để họ yên tâm vươn khơi. Chuyến biển vừa rồi cũng thất bát, thất thu 30 triệu đồng”. Còn ngư dân Phạm Văn Tám (thôn An Hải Tây, Tam Quang) - chủ tàu cá QNa- 90779 thì cho biết, thời gian trước, bình quân mỗi chuyến biển 10 - 15 ngày, tàu khai thác bằng nghề lưới vây của gia đình đánh bắt được khoảng 70 tấn cá ngừ, cá nục. Sau khi trừ chi phí, tàu lãi được hơn 100 triệu đồng, chủ tàu thu được 50 triệu đồng, mỗi người đi “bạn” cũng thu được xấp xỉ 7 triệu đồng. Còn bây giờ phí tổn quá cao, nhất là giá xăng dầu, trong khi sản lượng đánh bắt đạt thấp (chỉ được khoảng 20 tấn cá/chuyến) nên cả chủ tàu lẫn người đi “bạn” đều thu nhập rất thấp.

Mọi năm, thời điểm này, ngư dân theo nghề câu mực khơi rộn rã với chuyến biển cuối cùng của năm, nhưng nay không khí rất trầm lắng. Cảng cá Tam Giang (Núi Thành) vắng tanh, tàu cá nằm đó còn ngư dân thì vắng bóng. Ông Đỗ Thế, một người kinh doanh xăng dầu tại cảng cá cho biết: “Cả ngày chẳng thấy tàu cá nào đổ dầu xuất bến. Nghe ngư dân kể thiếu “bạn” nhiều lắm. Nhiều ngư dân sát nhà tôi thường đi “bạn” thủy chung với các tàu cá địa phương nhưng nay cũng bỏ mà theo các tàu ở nơi khác. Năm nay ngư dân thất thu nên gia đình chúng tôi bán chẳng được bao nhiêu”. Ông Lương Văn Đường (thôn Thuận An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa 91434 TS có công suất 400CV theo nghề câu mực khơi từ hơn 15 năm nay chia sẻ: “Xăng dầu tăng giá cao,  nhưng giá mực xà chỉ còn 50 nghìn đồng/kg, người đi “bạn”… chạy làng. Thú thực, nghề biển năm nay thất thu chưa từng thấy. Mọi năm, có nhiều chuyến biển gia đình tôi lãi được hơn 500 triệu đồng. Vậy mà chừ năn nỉ những người đi “bạn”, ứng trước cho họ 20 triệu đồng để đi biển mà họ cũng không chịu”.

Cần tiếp sức

Ông Ngô Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, câu mực khơi nói riêng, khai thác xa bờ nói chung là nghề truyền thống, thế mạnh kinh tế của địa phương lâu nay. Thế nhưng, dù rất cố gắng, thậm chí ở lại tết để tăng thời gian bám biển nhưng ngư dân vẫn thất thu, thua lỗ và nợ nần. Ông Thống nói: “Không biết quy luật cung cầu thế nào mà giá mực xà lại giảm liên tục trong vòng mấy năm qua. Thay mặt địa phương, tôi đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ đối với ngư dân, bởi họ không thể trả được nợ vào thời điểm này”. Còn ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam thì cho biết, hiệu quả khai thác thấp của các nghề, đặc biệt là các nghề khai thác xa bờ có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do chi phí tăng cao, sản lượng thấp, bảo quản sản phẩm khai thác chưa tốt. Để tiếp sức ngư dân trong thời gian đến, đơn vị sẽ tăng cường công tác quan trắc tại các vùng biển, nâng cao chất lượng điều tra nguồn lợi hải sản, qua đó dự báo ngư trường đánh bắt hiệu quả cho ngư dân.

Ông Võ Văn Năm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, mặc dù hiệu quả kinh tế của vụ cá chính năm nay giảm sút hơn so với mọi năm nhưng xu hướng vươn khơi khai thác xa bờ của ngư dân Quảng Nam ngày một rõ rệt hơn. Do khả năng huy động vốn của ngư dân còn hạn chế nên tốc độ phát triển đội tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh vẫn còn thấp, không ổn định. Để có giải pháp thích hợp thúc đẩy nghề cá của tỉnh phát triển trong thời gian đến, Sở NN&PTNT đang kiến nghị Tổng cục Thủy sản tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá xa bờ có các nội dung hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị khai thác với những điều kiện phù hợp, có tính khả thi để ngư dân trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận và nhận được hỗ trợ từ chính sách. Theo ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam, hiện tại nhiều tỉnh, thành như Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hoà đã hỗ trợ vật liệu PU (Polyurethane) giúp ngư dân triển khai mô hình hầm bảo quản sản phẩm cho tàu khai thác xa bờ. Hầm bảo quản bằng vật liệu PU loại bỏ nguy cơ trầy xước hải sản. Độ lạnh trong hầm được trải đều và lâu sẽ giúp hải sản được bảo quản tốt hơn trong suốt quá trình đánh bắt dài ngày. “Để khắc phục sự yếu kém của các thùng bảo quản hải sản bằng xốp mà ngư dân Quảng Nam đang sử dụng, trong thời gian đến, ngành khuyến ngư sẽ đề xuất UBND tỉnh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai thí điểm hỗ trợ vật liệu PU tại Quảng Nam, giúp ngư dân nâng cao chất lượng bảo quản sản phẩm, qua đó tăng hiệu quả sản xuất trong mỗi chuyến biển” - ông Long nói./.

Nguyễn Quang Việt baoquangnam.com.vn, 17/10/2013