TIN THỦY SẢN

Thay đổi tư duy các hộ nuôi tôm ở Móng Cái

Nhiều hộ dân của TP Móng Cái đã chuyển hướng tiêu thụ sang thị trường nội địa. Hải Hà

Hằng năm, sản lượng tôm nuôi của TP Móng Cái chủ yếu xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên năm nay, do phía Trung Quốc siết chặt các quy định đối với hàng thủy sản Việt Nam, nên việc tiêu thụ tôm trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn.

Vụ xuân hè năm nay, TP Móng Cái đưa vào nuôi trên 1.100ha tôm thẻ chân trắng, hiện đã thu hoạch xong, sản lượng gần 2.100 tấn. Đây là đợt thu hoạch cuối cùng của vụ nuôi tôm thẻ chân trắng xuân hè của nhiều hộ gia đình. Khác với mọi năm, nhiều hộ nuôi tôm của  thành phố đang khá thấp thỏm.

Bà Đặng Thị Dịu (khu 7, phường Hải Hòa, TP Móng Cái) cho biết: Thời điểm này hằng năm, gia đình tôi đã xuất bán hết tôm đi thị trường Trung Quốc; nhưng năm nay do quy định về xuất khẩu chặt chẽ, nên việc tiêu thụ hơn 25 tấn tôm vụ nuôi xuân hè phải cầm chừng để tìm thị trường tiêu thụ nội địa. Năm nay,  nói chung các hộ nuôi tôm rất khó khăn về xuất bán, đều bị thất thu vì giá bán quá rẻ, không đủ bù đắp chi phí đầu tư, nói gì đến lợi nhuận.

Hiện tất các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng muốn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc phải có mã cơ sở nuôi, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP do cơ quan quản lý Việt Nam cấp. Trong tổng số hơn 1.100 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của TP Móng Cái, hiện mới có 1 cơ sở đăng ký, được cấp đảm bảo quy định trên. Số còn lại còn chưa nắm rõ quy định, vẫn còn tư duy chủ quan, nên không đáp ứng được các điều kiện xuất tôm vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến sản phẩm tồn đọng, thương lái thu mua với mức giá thấp.

Bà Phạm Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Hội nghề cá TP Móng Cái, cho biết: Hiện 1ha nuôi tôm thương phẩm cho sản lượng 20-25 tấn, với giá bán 70.000 đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg thì các hộ nuôi sẽ thiệt hại từ 500-600 triệu đồng/ha. Qua đây cũng đề nghị các cơ quan chức năng và ban, ngành quan tâm tạo điều kiện để các hộ nuôi tôm tiêu thụ được sản phẩm, xuất bán sang thị trường Trung Quốc.

Đối với doanh nghiệp của Việt Nam được cấp mã xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc phải có chứng thư kiểm dịch, quy cách bao gói và nhãn mác, điều kiện truy xuất hồ sơ. Trong khi đó cả tỉnh mới có 4 doanh nghiệp đáp ứng đủ quy định trên.

Trước khó khăn này, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Bộ NN&PTNT và đã làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ. Theo đó trong 3 ngày (13-15/6/2019) đã xuất được 300 tấn tôm thẻ chân trắng ướp đá đáp ứng đủ yêu cầu của phía bạn. Tuy nhiên từ ngày 16/6 đến nay, Trung Quốc lại tiếp tục có những thay đổi danh mục sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Trong đó chỉ cho nhập khẩu tôm thẻ chân trắng đông lạnh của Việt Nam, còn tôm thẻ chân trắng ướp đá không còn trong danh mục vào thị trường Trung Quốc. Sự thay đổi này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu nói chung, nuôi tôm nói chung.


Các hộ nuôi tôm phường Hải Hòa (TP Móng Cái) thu hoạch tôm thẻ chân trắng.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện nay giá mặt hàng tôm cấp đông xuất sang Trung Quốc thấp hơn từ 15-20% so với giá xuất ướp đá, do đó người nuôi tôm sẽ không có lợi nhuận. Chúng tôi đã phối hợp với các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh để sử dụng tôm nguyên liệu thông qua chế biến cấp đông để đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc và các thị trường khác. Ngoài ra, cũng mở rộng xuất đi thị trường nội địa có quy mô, nhu cầu sử dụng lớn.

Tôm thẻ chân trắng là sản phẩm chủ lực của ngành Nông nghiệp TP Móng Cái, xuất khẩu là chính. Để đầu ra của sản phẩm được thuận lợi, bên cạnh sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của tỉnh, các hộ nuôi tôm của thành phố cũng cần thay đổi tư duy sản xuất để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu không chỉ đối với thị trường Trung Quốc, mà cả thị trường các nước khác.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Thành phố đang tập trung thay đổi tư duy của cơ sở nuôi trồng để thực hiện đúng chuỗi giá trị và quy trình đảm bảo ATTP, đặc biệt khi sản phẩm sản xuất ra có đủ điều kiện vào thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với các cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ hiện nay, thành phố đang tập trung tổ chức lại sản xuất theo từng hợp tác xã hoặc tổ hợp, doanh nghiệp, để thực hiện công tác quản lý, chứng nhận đảm bảo ATTP, cấp chứng thư cho hàng hóa xuất khẩu.

Hải Hà Báo Quảng Ninh