TIN THỦY SẢN

Thấy gì khi Bình An vượt sóng gió?

Sáu Nghệ

Những ngày qua ở TP Cần Thơ, Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Công ty Bình An) nỗ lực vượt sóng gió nợ nần, đã cho thấy sâu hơn những khó khăn của ngành thủy sản, đồng thời cũng hé mở khả năng phát triển.

Ông Trần Văn Trí trả nợ cho một hộ dân

Cơ cấu lại nợ

Báo cáo ngày 19/4 của Công ty Bình An gửi UBND TP Cần Thơ, Tổng Cục An ninh II Bộ Công an và một số cơ quan cho biết, đã trả nợ được gần 350 tỷ đồng từ tiền bán tài sản riêng của gia đình ông Trần Văn Trí và bà Phạm Thị Diệu Hiền.Từ đó, nhiều người bị nợ tiền cá đã rút đơn khởi kiện ra tòa trước đó; nỗ lực tái cơ cấu nợ của Công ty Bình An còn được Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp (thuộc Bộ Tài chính) vào làm việc và nhận (bảo đảm) các khoản nợ.

Ngày 18/4, Bộ KH-CN cũng vào làm việc với Công ty Bình An, quyết định thực hiện ba đề tài nghiên cứu về cá tra trong 4 năm, với kinh phí tài trợ gần 23 tỷ đồng, để hoạt động trở lại Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An.

Khó khăn về nợ nần của Công ty Bình An khá điển hình cho ngành thủy sản. Đó là, việc quản lý nguồn lực có vấn đề, từ quản lý đầu tư đến sản xuất, kinh doanh, khách hàng, chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu công nghệ hiện đại. Nên xảy ra nợ, tất cả rối rắm, nguồn lực tích lũy được bị mất mát nghiêm trọng chỉ trong thời gian ngắn. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP Cần Thơ, cho biết ở Cần Thơ khoảng 25% doanh nghiệp chế biến thủy sản đang rất khó khăn, có doanh nghiệp đã gần như phá sản, thậm chí đang bị điều tra tội hình sự.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phân tích thêm khía cạnh khác, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cần một đồng vốn cho sản xuất thì phải có thêm hai đồng vốn nữa cho hàng tồn kho và khách hàng nợ. Nguồn lực của doanh nghiệp tích lũy trong mấy năm vươn ra thị trường thế giới, chưa đủ để độc lập hoạt động, mà vẫn phải dựa vào ngân hàng. Nhưng vốn ngân hàng cho vay, lãi suất năm 2011 vọt lên trên 20% và lại rất khó vay thì doanh nghiệp “như bị bóp mũi, dù khỏe mạnh đến đâu cũng phải vật vã”, ông Dũng nói. Trong tình hình đó, việc cơ cấu lại nợ bước đầu thành công của Công ty Bình An là một kinh nghiệm đáng tham khảo.

Liên kết có công nghệ

Ông Trần Văn Trí, người đang nhận ủy quyền điều hành Công ty Bình An, cho biết, vừa có chục doanh nghiệp trong ngành thủy sản đề nghị liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là nhóm 5 công ty của gia đình bà Trần Thị Ánh Nguyệt. Gia đình bà Nguyệt có công ty chế biến thức ăn thủy sản ở tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, tổng công suất 17.000 tấn/tháng; công ty chế biến phụ phẩm ở tỉnh Tiền Giang, sản xuất bột xương và mỡ cá, có công suất 300 tấn nguyên liệu/ngày; công ty chế biến đông lạnh ở tỉnh Vĩnh Long có công suất 100 tấn nguyên liệu/ngày; công ty nuôi trồng có 200 ha.

Công ty Bình An chuẩn bị tiền trả nợ

Bà Nguyệt kể, các công ty hình thành từ cổ phần, quá trình hoạt động có nhiều khó khăn, các cổ phần rút vốn, nay chỉ còn bà và con, em của bà làm chủ. “Chúng tôi không còn vốn để hoạt động, nên hiện nay khu nuôi trồng chỉ cầm cự, nhà máy chế biến đông lạnh đóng cửa, một nhà máy chế biến thức ăn thủy sản chỉ làm gia công. Tổng nợ ngân hàng gần 400 tỷ đồng, một tháng đóng tiền lãi hơn 6 tỷ đồng. Làm mấy chục năm, nay đã mất hết vốn liếng”, bà Nguyệt than thở.

Nguyên nhân là bán thức ăn thủy sản, cá bị nợ và dần dần hết vốn lưu động. Bà Nguyệt cho biết, năm 2011, bị Công ty Thiên Mã ở Cần Thơ nợ 45 tỷ đồng và trả bằng 40 ha nuôi cá, vốn lưu động trở thành đất nhưng muốn nuôi cá trên 40 ha này phải có thêm 150 tỷ đồng nữa. Công ty Bình An cũng nợ của bà gần 28 tỷ đồng tiền cá, trả dần một ít, mới đây ông Trí trả thêm 11 tỷ đồng, vẫn còn bị nợ 8,8 tỷ đồng. Bà Nguyệt đang tính bán tài sản để “cắt nợ”, thì Công ty Bình An hy vọng hoạt động trở lại và bà cũng hy vọng liên kết với Công ty Bình An, cung cấp thức ăn thủy sản và cá tra nguyên liệu, vì Công ty Bình An có đầu ra cho sản phẩm chế biến.

Nhiều doanh nghiệp khác đề nghị liên kết, hợp tác với Công ty Bình An có nội dung tương tự. Có thể thấy, các hô hào liên kết, hợp tác trước nay vang lên ở nhiều diễn đàn, thực tế thì mạnh ai nấy lo, bây giờ trong khó khăn thắt ngặt lại có cơ hội trở thành hiện thực. Một doanh nghiệp lo từ A đến Z (từ giống, thức ăn thủy sản, nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu) là đặc điểm của nền kinh tế nhỏ lẻ, bán chuyên nghiệp, gây lãng phí đầu tư. Một doanh nghiệp chỉ đảm đương một khâu trong chuỗi giá trị gia tăng, đầu tư đi vào chiều sâu, thì cả ngành sản xuất và kinh doanh cá tra mới có hiệu quả kinh tế cao, phát triển ổn định, bền vững. Mối liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng, không phải là khẩu hiệu chính trị hay sự lắp ghép cơ cấu, mà trên cơ sở công nghệ quản lý nguồn lực; gồm quản lý sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn, chất lượng sản phẩm, hàng tồn kho, quy trình xuất nhập khẩu, quản trị hệ thống phân phối, kiểm soát các chỉ tiêu tài chính, quản trị khách hàng.

Tóm lại, chuỗi giá trị gia tăng được quản lý minh bạch, chống đỡ được các biến động thị trường. Khi đó, nguồn lực của các doanh nghiệp không dễ “mất hết” khi gặp khó khăn khách quan, như bà Nguyệt đang than thở.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn nhận xét, nỗ lực bán tài sản trả nợ cho người nuôi cá của Công ty Bình An đã giảm được căng thẳng xã hội.

Sáu Nghệ Thủy sản Việt Nam, 27/04/2012