TIN THỦY SẢN

Thêm rào cản kháng sinh mới cho mặt hàng tôm xuất khẩu

Huỳnh Tâm

Không chỉ có chất Ethoxyquin, mới đây, các thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam đã đưa ra mức cảnh báo về dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline có trong mặt hàng này. Như vậy, thêm một rào cản kháng sinh mới cho mặt hàng tôm xuất khẩu của nước ta. Thực tế này đã và đang đẩy các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Ngoài Nhật Bản thì hiện EU cũng đã đưa ra cảnh báo về dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam. Theo quy định của hai thị trường lớn này mức giới hạn cho phép đối với kháng sinh Oxytetraxycline lần lượt là 0,2 và 0,1 ppm. Tuy nhiên, thời gian gần đây các nhà nhập khẩu đã phát hiện nhiều lô hàng tôm của nước ta có dư lượng thấp nhất là 0,3 ppm và cao nhất là 2,1 ppm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được các nhà quản lý thương mại đưa ra một phần là do khâu nuôi trồng.

Oxytetraxycline là chất được sử dụng trong nuôi tôm, song để đảm bảo chất kháng sinh này không bị tồn dư trong tôm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì người nuôi phải ngưng sử dụng chất này trước khi thu hoạch tôm 28 ngày. Tuy nhiên, thực tế việc tuân thủ quy định này với nông dân là chưa tốt.

Nông dân chưa ý thức, doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt bất chấp chất lượng sản phẩm xuất khẩu chạy theo số lượng đã dẫn đến tình trạng nói trên. Hậu quả không chỉ một doanh nghiệp gánh chịu mà nó còn là rào cản lớn cho cả ngành thủy sản của nước ta.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có trên 10 trường hợp tôm xuất khẩu của nước ta bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline sang Nhật Bản và EU. Mới đây, Nhật Bản thông báo sẽ kiểm tra chỉ tiêu Oxytetraxycline đối với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Trong một diễn biến khác, cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo nếu tình trạng dư lượng Oxytetraxycline trong tôm Việt Nam không được cải thiện, EU sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn, thậm chí có thể tạm đình chỉ nhập khẩu tôm của nước ta. Vấn đề sẽ trở nên căng thẳng hơn, nếu không sớm có những giải pháp cứng rắn và quyết liệt từ các Bộ, ngành liên quan./.

Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL cho rằng phải liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong khâu nuôi trồng để đưa vào nhà máy nguồn nguyên liêu tốt nhất, có vậy thì sản phẩm xuất khẩu của ta mới đảm bảo chất lượng được.

Huỳnh Tâm VTV Cần Thơ, 03/05/2014