Thị trường tôm sú nuôi đông lạnh ở châu Âu
Tôm sú là một trong những loài tôm nuôi phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2012, sản lượng tôm sú nuôi trên thế giới đạt trên 850.000 tấn (chủ yếu được nuôi ở châu Á). Phần lớn sản lượng này được XK sang châu Âu. Mặc dù thị trường EU phải chịu áp lực vì đây là sản phẩm khá đắt đỏ nhưng tôm sú vẫn là một sản phẩm quan trọng trong phân khúc dịch vụ thực phẩm ở Bắc, Tây và Nam Âu.
Đóng gói
Các yêu cầu đóng gói thường khác nhau giữa các thị trường. Do vậy, bạn cần hỏi ý kiến khách hàng của mình về những yêu cầu đóng gói của họ. Một số đặc điểm chung:
- Tôm sú đông lạnh hầu hết được nhập khẩu bằng thùng carton với khối lượng tôm nhất định phụ thuộc vào kích cỡ hoặc trọng lượng (20/30, 30/40, 40/50 con/kg)
- Tôm sú đông lạnh thường được NK theo túi 5 - 25 kg
- Cỡ tôm phổ biến nhất trên thị trường EU là 30/40 con/kg
Chế biến và màu sắc:
- Tôm sống: màu xám với sọc đen trên thân
- Tôm hấp: vỏ đỏ sáng và thịt trắng
- Quy cách chế biến thay đổi theo từng nước: ở Nam Âu ưa chuộng tôm nguyên con HOSO. Bắc Âu, tôm lột vỏ chưa rút chỉ (PUD) phổ biến hơn
- Ở EU, tôm sú được tính bằng con/kg. Nhu cầu chung là tôm cỡ 30-40 con/kg tuy nhiên một số thị trường ngách (một phân đoạn nhỏ của thị trường với một nhóm khách hàng chuyên biệt) ưa chuộng tôm cỡ lớn hơn 20-30 con/kg.
- Mạ băng: thường 0-20%
Nhập khẩu
Cùng với Nhật Bản, EU là một trong những thị trường tiêu thụ quan trọng nhất của tôm sú. Trong khi Nhật Bản chủ yếu nhập tôm sú cỡ lớn nhất, EU nhập cỡ nhỏ hơn. Do EU là một thị trường định hướng về giá từ năm 2008, tỷ trọng tôm sú trong tổng NK tôm vào thị trường này có xu hướng giảm.
Năm 2014, tổng giá trị NK tôm cỡ nhỏ và cỡ lớn đông lạnh (trừ tôm nước lạnh) vào EU đạt 513.000 tấn, trị giá 3,7 tỷ EUR; chiếm 29% giá trị NK tôm thế giới (31% khối lượng NK) năm 2014.
So với năm 2013, tổng giá trị NK trong năm 2014 tăng 23%, trong khi khối lượng NK chỉ tăng 7%. Cuộc khủng hoảng nguồn cung toàn cầu do EMS dẫn tới giá tôm tăng trên toàn thế giới.
Top 7 nước NK lớn nhất trong khối gồm Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Anh, Bỉ, Đức và Hà Lan, chiếm gần 90% (3,3 tỷ EUR) tổng giá trị NK tôm đông lạnh vào châu Âu.
Top 3 nước cung cấp lớn nhất gồm Ecuador, Ấn Độ và Argentina, chiếm hơn 55% tổng NK tôm của EU.
Các nước sản xuất và XK tôm sú lớn nhất gồm Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia. Trong khi tôm sú chiếm 80% tổng XK tôm của Bangladesh, tỷ trọng tôm sú XK đang giảm ở các nước còn lại. Các nước này, tỷ trọng tôm sú chiếm từ 20-50%.
Các nước Tây Âu (Hà Lan, Đức và Bỉ) chủ yếu NK tôm từ các nước sản xuất cả tôm sú và tôm chân trắng. Tây Ban Nha, Pháp và Italy chủ yếu NK tôm chân trắng.
XK tôm từ Bangladesh sang Hà Lan, Đức và Bỉ lần lượt chiếm 25%, 14% và 26% tổng NK tôm vào các thị trường này.
Chênh lệch giá tôm trung bình giữa Nam Âu (Tây Ban Nha, Italy và Pháp) và Bắc Âu (Bỉ, Anh, Đức và Hà Lan) năm 2014 là 1,83 EUR. Các nước như Tây Ban Nha, Italy và Pháp NK tôm nguyên liệu giá rẻ, chủ yếu là HOSO phục vụ các nhà chế biến nội địa, trong khi Bắc Âu NK nhiều tôm hấp chín hoặc lột vỏ. Giá NK trung bình ở EU năm 2014 là 7,3 EUR, cao hơn 6,4 EUR năm 2013 do thiếu hụt nguồn cung toàn cầu sau dịch EMS.
Năm 2015, giá tôm sú và tôm chân trắng đã trở lại các mức bình thường sau khi tăng kỷ lục trong năm 2013 và 2014. Nguyên nhân thứ nhất là dịch EMS bùng phát ở nhiều nước sản xuất tôm chân trắng khiến thiếu hụt nguồn cung tôm toàn cầu và cạnh tranh về tôm nguyên liệu tăng. Lý do thứ hai là sản xuất tôm ở Trung Quốc đối mặt với nhiều vấn đề dẫn đến cạnh tranh nguyên liệu càng tăng. Do vậy, giá tôm sú tăng mạnh. Đầu năm 2014, giá bắt đầu ổn định nhờ một số giải pháp đối phó với EMS và sản lượng tăng ở Ấn Độ và Indonesia.
Thái Lan từng là nhà cung cấp chính các sản phẩm tôm đông lạnh giá trị gia tăng cho châu Âu. Tuy nhiên, thị phần của nước này giảm mạnh trong năm 2014 khi nước này bị mất ưu đãi thuế GSP từ tháng 1/2015 (và thuế quan đã được tăng lên trong giai đoạn trong năm 2014) 4. XK tôm chế biến đông lạnh của Thái Lan giảm từ 18.000 tấn năm 2013 xuống còn 7.300 tấn năm 2014 (tương đương 159 triệu EUR xuống còn 80 triệu EUR). Trong khi XK của Việt Nam tăng 5.500 tấn, tiếp đó Indonesia tăng 2.800 tấn. Năm 2015, XK tôm chế biến đông lạnh từ Việt Nam và Indonesia cao hơn Thái Lan.
Giá NK tôm chế biến đông lạnh từ Thái Lan vào EU tăng từ 6,2 EUR/kg năm 2010 lên 8,9 EUR/kg năm 2013 và 10,9 EUR năm 2015. Giá tăng có thể do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu ở Thái Lan và thế giới.
Việt Nam vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung cấp lớn nhất tôm chế biến đông lạnh cho thị trường EU. Việt Nam XK 17.500 tấn (trị giá 156 triệu EUR) năm 2014. Thị trường chính của tôm Việt Nam tại EU gồm Hà Lan và Anh (cả hai đều chiếm 22%), tiếp theo là Đức (18%), Bỉ (13%) và Pháp (12%).
Xuất khẩu
Năm 2014, Bỉ là nước tái XK tôm đông lạnh lớn nhất trong khối (khoảng 246 triệu EUR trừ tôm nước lạnh). Tôm từ các nước trên thế giới NK vào EU qua cảng Antwerp, sau đó mới phân phối tới các thị trường khác ở EU. Các thị trường tái xuất quan trọng nhất là Bỉ và Pháp (9.500 tấn năm 2014), Hà Lan (7.000 tấn), Tây Ban Nha (4.500 tấn), Đức (3.600 tấn) và Anh (940 tấn). Tây Ban Nha tái XK chủ yếu sang Italy (11.500 tấn), Bồ Đào Nha (8.900 tấn) và Pháp (3.500 tấn). (Tây Ban Nha XK tôm chân trắng.) Hà Lan tái XK chủ yếu sang Đức (9.700 tấn), Bỉ (5.000 tấn) và Tây Ban Nha (4.000 tấn).
Tây Ban Nha có sự chênh lệch giữa giá NK và tái XK cao nhất. Điều này có thể do ngành chế biến lớn của nước này. Tây Ban Nha NK khối lượng lớn tôm nguyên liệu giá rẻ (chủ yếu từ Argentina and Ecuador). Sau khi chế biến và đóng gói, một phần nhỏ trong tổng sản lượng được tái XK.
Tiêu thụ
Tôm chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng tiêu thụ thủy sản. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện tại, dự kiến tỷ trọng tôm sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới vì đây là sản phẩm khá đắt.
Các nước như Tây Ban Nha, Italy và Pháp NK chủ yếu tôm HOSO phục vụ ngành chế biến trong nước. Các nước Bắc và Tây Âu lại NK tôm hấp và tôm lột vỏ nhiều hơn.
Các nước Bắc và Tây Âu chủ yếu NK tôm từ các nước châu Á trong khi các nước Nam Âu có xu hướng NK nhiều hơn từ các nước Nam Mỹ.
Thông thường, tôm sú đắt hơn tôm chân trắng. Tuy nhiên, năm 2013-2014, thiếu hụt nguồn cung tôm chân trắng đẩy giá tôm chân trắng lên ngang bằng với giá tôm sú. Điều này có lợi cho tôm sú vì với giá tương đương, người tiêu dùng ưa chuộng tôm sú hơn vì màu sắc và hương vị của nó. Do vậy, XK từ Bangladesh sang EU tăng mạnh trong năm 2013 và 2014. Giá tôm chân trắng năm 2015 dự kiến quay trở lại mức bình thường, điều này có thể khiến tiêu thụ tôm sú giảm.
Người tiêu dùng ở Nam Âu rất coi trọng chất lượng sản phẩm nên nhóm khách hàng thu nhập cao thích mua tôm sú cỡ lớn hơn. Thị trường ngách của mặt hàng này cũng được hình thành. Mặc dù phải chịu áp lực khủng hoảng kinh tế nhưng nhu cầu từ thị trường ngách này vẫn khá ổn định.
Nhu cầu tôm sú trên thị trường EU
Ở EU, nhu cầu thực phẩm dễ chế biến và chế biến nhanh đang có xu hướng tăng do áp lực công việc.
Trước đây, EU chủ yếu NK tôm HOSO tuy nhiên thị trường này hiện có xu hướng NK nhiều hơn các sản phẩm chế biến sẵn như tôm tẩm ướp gia vị hoặc xiên que.
Do khủng hoảng kinh tế, giá trị NK dự kiến giảm tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ tôm vẫn ổn định. Nhu cầu tôm giá rẻ như tôm chân trắng sẽ tăng trong khi nhu cầu tôm sú sẽ giảm.
Về lâu dài, tôm sú sẽ trở thành sản phẩm phục vụ cho những thị trường ngách ở Nam Âu. Khi sản lượng tôm chân trắng hồi phục và giá giảm, tôm sú sẽ khó cạnh tranh với tôm chân trắng. Dự kiến nhu cầu tôm sú cỡ lớn sẽ tăng cao ở các phân khúc ngoài hộ gia đình.
Trên thị trường EU, khu vực phía bắc yêu cầu khắt khe về thực phẩm bền vững và có trách nhiệm. Chương trình chứng nhận tôm ASC xuất hiện lần đầu tiên năm 2014 và sản phẩm tôm chứng nhận ASC đầu tiên xuất hiện ở thị trường Scandinavia cuối năm 2014. Các nước khác ở Bắc và Tây Âu đi theo xu hướng này trong năm 2015 và ASC dự kiến ngày càng quan trọng ở các khu vực khác ở EU về lâu dài.
Cùng với nhu cầu thủy sản bền vững ở thị trường Bắc Âu, nhu cầu thủy sản sinh thái (như tôm sú sinh thái) cũng đang tăng ở EU.