Thiệt hại lớn vì thủy sản bị trả về nhiều
Việt Nam mỗi năm thiệt hại hơn 14 triệu đô la Mỹ do các thị trường nhập khẩu trả về từ các thị trường chính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc.
Có nhiều lý do hàng bị trả về, song nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn. Đây là kết quả phân tích của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) công bố trong hội thảo “Đáp ứng tiêu chuẩn – chiếm lĩnh thị trường: Giải pháp tháo gỡ thách thức đối với chuỗi giá trị thủy sản trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại” diễn ra ngày 21-3 tại Hà Nội.
Ông Spencer Henson từ Viện nghiên cứu phát triển (IDS) cho hay ở bốn thị trường lớn EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc thì Việt Nam là một trong ba nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản, cao hơn so với các nước nhập khẩu khác, ngoại trừ thị trường Úc.
Cụ thể, Việt Nam đứng đầu trong số các nước xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ về số vụ từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản trên 1 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn 2002 đến 2010, lần lượt khoảng 160 và 380 vụ.
Tại thị trường Nhật Bản, trong giai đoạn 2006-2010, Việt Nam cũng đứng đầu các nước xuất khẩu về số vụ từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản trên 1 triệu đô la Mỹ, khoảng hơn 120 vụ.
Riêng thị trường Úc, Việt Nam đứng thứ 4, sau Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc về số vụ thủy sản bị trả về, gần 350 vụ.
Nghiên cứu dữ liệu từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam, ông Henson cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến thủy sản của Việt Nam bị trả về, song nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn.
“Ngoài ra, dư lượng thuốc thú y là vấn đề nổi cộm đối với hàng nhập vào EU; các chất gây ô nhiễm khác cũng là vấn đề đối với hàng nhập vào Nhật Bản” – ông Henson nói.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Năm 2012, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt hơn 6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 5-6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam bao gồm EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nam thách thức lớn nhất mà ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt hiện nay là các quy định của thị trường nhập khẩu ngày càng cao và nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc, trách nhiệm môi trường và bảo vệ nguồn lợi.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng số lượng xuất khẩu thủy sản lớn thì số lượng bị trả về cũng không ít. Vì vậy cần nhìn vào tỷ lệ số lượng bị trả lại trên tổng số lượng đã xuất khẩu để có những đánh giá khách quan về chất lượng thủy sản cũng như độ thích ứng của doanh nghiệp khi gia nhập sân chơi toàn cầu.
UNIDO đề xuất chính sách đối với Việt Nam là cần có dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và thông tin cho người sản xuất để họ hiểu được việc thị trường liên tục thay đổi, nhất là tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm bắt buộc và tự nguyện. Người sản xuất cần sử dụng hợp lý thuốc và hóa chất.
Cùng với đó, cần có cơ chế hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp hàng đầu bằng việc thúc đẩy mở rộng hình thức sản xuất bao tiêu, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hơn nữa, nhà nước cần hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho những doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường quốc tế.