Thu trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi ba ba
Nuôi ba ba gai là một công việc đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn và kỹ thuật cao. Nhưng bằng ý chí, nghị lực, sự đam mê tận tụy với công việc cùng với áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật mà ông Phạm Tất Đạt ở xã Yên Bình, thành phố Tam Điệp đã thành công, vươn lên trở thành triệu phú.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, sau khi rời quân ngũ năm 1997, ông Đạt bắt đầu nuôi ba ba gai với quy mô nhỏ lẻ. Năm 2010, được sự ủng hộ từ gia đình, ông mạnh dạn vận động bà con lối xóm giúp đỡ cho quy đổi toàn bộ số đất hiện có của gia đình là 4.000m2 về cánh đồng đất rắn, khô cằn thiếu nước hàng năm không cấy lúa để ông quy hoạch thành trang trại nuôi ba ba.
Với số vốn hiện có và được vay 30 triệu đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn Trung ương Hội ủy thác, ông đã đầu tư xây dựng ao chuồng với diện tích 2.000m2 mặt nước đủ tiêu chuẩn nuôi số lượng lớn ba ba thương phẩm, ba ba sinh sản làm con giống với chất lượng cao. Hiện nay, diện tích nuôi ba ba của ông đã lên tới 1,5 mẫu với 5 ao lớn và nhiều chuồng ấp trứng.
Ba ba gai là một loài tương đối dễ nuôi, chúng ít khi bị bệnh dịch. Tùy theo từng loại mà ba ba có giá trị khác nhau nhưng ba ba gai giá thấp nhất cũng từ 600.000 - 700.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với các loại ba ba thông thường khác đem lại lợi nhuận hiệu quả kinh tế cao. Ba ba gai to hơn các loại ba ba bình thường khác, thịt của chúng khi chế biến rất thơm và ngọt, đặc biệt thời gian nuôi nhanh lớn hơn các loại ba ba thông thường.
Với kinh nghiệm 18 năm nuôi ba ba gai, ông Đạt cho biết: “Chúng rất phàm ăn, mỗi lần cho ăn theo trọng lượng từ 10 - 15% trọng lượng, thức ăn chính của chúng là các loại tép, ốc, tôm, cua nên luôn đảm bảo về vấn đề an toàn thực phẩm”.
Mỗi năm baba gai đẻ từ 3 đến 4 lứa. Mỗi lứa cho ra đời từ 15 đến 18 quả trứng. Phải thường xuyên theo dõi nắm bắt các giai đoạn phát triển của baba gai cái. Khi chúng đến giai đoạn đẻ phải tách riêng con đực và con cái theo tỷ lệ 1 đực và 5 cái hoặc 1 đực và 4 cái.
Vì nếu số lượng con đực nhiều thì sẽ xảy ra hiện tượng con đực cắn chết con cái. Khi con cái đẻ thì chuồng ấp trứng phải được đảm bảo duy trì đúng nhiệt độ từ 30oC đến 32oC thì mới đảm bảo nhiệt độ ấp trứng mới không bị hỏng.
Theo ông Đạt, muốn nuôi ba ba gai đạt kết quả tốt thì khâu quan trọng nhất là phải biết chọn con giống tốt, đảm bảo được chất lượng ba ba gai con và đảm bảo nguồn nước sạch phải được thay thường xuyên để phòng bệnh cho ba ba gai.
Với các ao, ông làm hàng rào cao từ 50 - 60 cm để ba ba gai không bò ra khỏi ao, có cống thông với kênh nước thường xuyên thay nước mới cho ao. Trên ao có chỗ phơi nắng và chuồng cho ba ba gai đẻ trứng.
Mỗi năm, ông xuất bán hàng tấn thịt ba ba gai thương phẩm, 8.000 - 10.000 con giống đi khắp các nơi trong tỉnh và các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, đem về thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, hàng năm ông Đạt tạo công ăn việc làm cho từ 3 - 5 lao động liên tục với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng trở lên; giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân trong xã.
Ông Vũ Văn Kiểm, Chủ tịch Hội Nông dân phường Yên Bình - TP Tam Điệp cho biết: “Nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định. Mô hình nuôi ba ba gai sạch của ông Đạt đã được nhiều nông dân đến tham quan học tập. Song nuôi baba cần có điều kiện kinh tế và đòi hỏi kỹ thuật cao. Vì vậy rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành có sự hỗ trợ đầu tư về vốn để nhân rộng mô hình này”.